Kinh doanh

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Giá dầu có thể giảm 30% nếu OPEC không giải cứu

12:00 | 06/12/2019

OPEC và các nước đồng minh một lần nữa lại phải cân nhắc động thái mạnh tay nhằm ngăn giá dầu lao dốc.

Thứ sáu này tại Vienna (Áo), OPEC và Nga được kỳ vọng công bố tiếp tục gia hạn việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ. Họ đã giảm sản xuất từ năm 2017, với tốc độ 1,2 triệu thùng một ngày, để ngăn giá dầu lao dốc khi sản lượng từ Mỹ tăng vọt.

Dù vậy, hãng tư vấn Rystad Energy cho rằng nếu OPEC và các đồng minh (OPEC+) không giảm sản xuất sâu hơn nữa, thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ dư 800.000 thùng mỗi ngày trong nửa đầu năm sau. Việc này sẽ châm ngòi cho "đợt điều chỉnh lớn với giá dầu", đẩy dầu thô Brent về hơn 40 USD một thùng chỉ trong thời gian ngắn, tương đương mức giảm 30% kể từ mốc hiện tại.

Một cơ sở sản xuất dầu tại Texas (Mỹ). Ảnh: Reuters

Một cơ sở khai thác dầu tại Texas (Mỹ). Ảnh: Reuters

"Triển vọng sẽ u ám nếu OPEC+ không đồng ý giảm thêm sản xuất", Bjørnar Tonhaugen - Giám đốc Nghiên cứu Thị trường Dầu tại Rystad Energy cho biết.

Giới buôn dầu thì kỳ vọng OPEC+ gia hạn giảm sản xuất thêm ít nhất vài tháng nữa. Thỏa thuận hiện tại sẽ hết hiệu lực vào tháng 3/2020. "Nếu không thể gia hạn đến tháng 6, thị trường sẽ phải chuẩn bị cho đợt giảm rất mạnh", các nhà phân tích tại hãng tư vấn FGE cho biết trong một báo cáo hôm qua.

Giá dầu thô hôm qua tăng hơn 3% vì kỳ vọng OPEC có hành động. Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq cũng bày tỏ sự ủng hộ gia hạn giảm sản xuất đến hết năm 2020.

Việc OPEC và Nga bắt tay giảm sản xuất đã hỗ trợ đáng kể cho giá dầu thời gian qua. Tuy nhiên, vấn đề là các nước phi OPEC, đặc biệt là Mỹ, vẫn đang tăng sản xuất.

Sản lượng từ các nước phi OPEC được dự báo tăng thêm 2,3 triệu thùng một ngày năm 2020, Rystad cho biết. Con số này sẽ xô đổ kỷ lục cũ 1,96 triệu thùng năm 1978.

Dầu đá phiến Mỹ đóng góp chính cho sức tăng này. Năm tới, Rystad dự báo sản xuất của Mỹ tăng thêm 1,1 triệu thùng một ngày. Các nước khác, như Na Uy, Brazil, Canada và Guyana cũng được dự báo tăng sản xuất.

Tuy nhiên, OPEC còn một rủi ro nữa. Một số thành viên, như Nigeria và Iraq, đang không tuân thủ quota sản xuất của tổ chức này. Việc này khiến vấn đề dư cung thêm trầm trọng.

Saudi Arabia đến nay vẫn đang gánh phần lớn sản lượng cắt giảm. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người nghi ngờ khả năng quốc gia này cắt giảm mạnh tay, khi một số thành viên OPEC vẫn sản xuất nhiều hơn mức được phép. "Saudi Arabia khó có khả năng đồng ý sản xuất ở mức hiện tại, trừ phi các nước OPEC+ khác cũng cam kết giảm sâu hơn nữa", FGE cho biết.

Saudi Arabia không thể để giá dầu tiếp tục đi xuống, do quốc gia này phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ để chi tiêu quân sự và các khoản khác. Để cân bằng ngân sách, họ cần giá dầu lên mốc 84 USD một thùng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết.

 


Hà Thu (theo CNN)

Theo Vnexpress

undefined