Kinh doanh

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Năm 2019: Ưu tiên cải thiện môi trường kinh doanh

12:00 | 23/01/2019

Theo ông Nguyễn Đình Cung: "Nghị quyết 02 được ban hành vào ngày 1/1/2019, cho thấy thông điệp 'cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là một ưu tiên' của Chính phủ".

Năm 2019: Ưu tiên cải thiện môi trường kinh doanh

Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Phỏng vấn bên lề Hội thảo "Đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 và giới thiệu Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh", ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: "Nghị quyết 02 năm 2019 thay thế cho Nghị quyết 19 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021".
"Nghị quyết này được ban hành vào ngày 1/1/2019, cùng với Nghị quyết 01 cho thấy thông điệp 'cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là một ưu tiên' của Chính phủ", ông Cung cho biết.
So với Nghị quyết 19, Nghị quyết này không đề ra những nhiệm vụ cụ thể giao cho từng Bộ mà đặt ra từng chỉ số, chỉ tiêu và mục tiêu cuối cùng là Việt Nam vào được nhóm 4 quốc gia ASEAN có thứ bậc môi trường kinh doanh cao nhất. Sau đó những nhiệm vụ này được giao cho từng Bộ trưởng, người đứng đầu ban, ngành, địa phương thực hiện và phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ.
Ông Cung cho rằng, việc đề cao trách nhiệm của người đứng đầu Bộ, ngành là một điểm mới trong Nghị quyết 02. Đồng thời, những cá nhân này phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về những nhiệm vụ được giao sẽ giúp việc cải thiện môi trường kinh doanh đi vào thực chất hơn.
Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng: "Nghị quyết 02 quy định rõ, người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương phải xem đây là nhiệm vụ quan trọng và trực tiếp phụ trách bởi việc cải thiện môi trường kinh doanh chuyển động nhanh hay chậm, thực chất hay không thực chất là phụ thuộc ở người đứng đầu".
Về phía cộng động kinh doanh thì một nét tích cực trong Nghị quyết 02 là giao cho VCCI và các Hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng giám sát và đánh giá độc lập việc thực thi Nghị quyết. “Chất lượng thực hiện trên thực tế là thước đo thành công cải cách của các bộ, ngành, địa phương”, ông Tuấn nhận xét.
Bên cạnh việc giao nhiệm vụ cho người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương, Nghị quyết 02 cũng xác định 4 nhóm nhiệm vụ bao gồm 2 nhiệm vụ tiếp tục thực hiện là: Cắt bỏ, đơn giản hoá thủ tục kinh doanh và cải cách kiểm tra chuyên ngành còn 2 nhiệm vụ mới là thực hiện thanh toán điện tử và dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
Đối với việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin cấp phép còn cao, và việc các điều kiện kinh doanh quá khó khăn sẽ khiến các doanh nghiệp không đủ điều kiện để hoạt động. Vì vậy, "cần tiếp tục cắt giảm, không phải theo kiểu phong trào, nặng về đơn giản hoá, chứ không cắt giảm", ông Tuấn nhận định.
Về kiểm tra chuyên ngành, đây là lĩnh vực liên quan chặt chẽ đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Trong khi ở nhiều quốc gia, việc thông quan tính bằng giờ thì ở Việt Nam vẫn tính bằng ngày, bằng tuần thậm chí là vài tháng.
Chỉ ra những bất cập của hệ thống hải quan điện tử, Bà Trịnh Tú Anh, Giám đốc công ty An Đô cũng cho hay: "Việc thực hiện hải quan điện tử của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn như: Đã thực hiện thông quan điện tử nhưng doanh nghiệp vẫn phải nộp hồ sơ giấy hay việc huỷ tờ khai trên hệ thống điện tử rồi nhưng cán bộ lại yêu cầu giấy xác nhận của lãnh đạo".
"Hay như thủ tục hoàn thuế, trong khi đã sử dụng hệ thống điện tử những vẫn phải nộp hồ sơ giấy nhiều lần và cuối cùng lại phải dùng phí bôi trơn để tác động", bà Tú Anh cho biết.
Vì vậy, ông Cung nhấn mạnh, "chỉ khi thực hiện được thanh toán không dùng tiền mặt thì mới thực hiện được dịch vụ công cấp độ 4. Việc áp dụng thanh toán điện tử sẽ hạn chế tối đa cơ hội, khả năng tiếp xúc giữa người dân và công chức nhà nước có liên quan khi thực hiện các dịch vụ hành chính công để cán bộ gây sách nhiễu, phiền hà".

HẠ AN

Theo Bizlive

undefined