Kinh doanh

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Thiệt hại kép, ĐBSCL bàn cách cùng TP.HCM vực dậy ngành du lịch

12:00 | 06/07/2020

Mục tiêu làm sao để thị trường du lịch nội địa sôi động trở lại, thậm chí sôi động hơn cả giai đoạn trước dịch.

Thiệt hại kép, ĐBSCL bàn cách cùng TP.HCM vực dậy ngành du lịch

Vừa hứng chịu thiệt hại kép từ khô hạn và dịch Covid-19, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trải qua giai đoạn rất khó khăn trong phát triển kinh tế.
Đó cũng là “nền vấn đề” của Hội nghị sơ kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh thành ĐBSCL, diễn ra tại Cần Thơ từ ngày 3-5/7/2020.
Hội nghị có lãnh đạo 14 tỉnh, thành tham dự. Và lần đầu tiên, liên kết du lịch giai đoạn 2020 - 2025 được chính quyền các địa phương ký kết thoả thuận hợp tác.
Thỏa thuận liên kết này nhằm tập trung sự chỉ đạo sâu sát, hỗ trợ các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong kết nối và tháo gỡ các khó khăn khi triển khai các hoạt động liên kết.
Chú trọng phát triển du lịch nội địa
Tại hội nghị, Hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL báo cáo kết quả hoạt động du lịch vùng (gọi tắt là Hội đồng Vùng) 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.
Với vai trò Chủ tịch Hội đồng Vùng, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu và toàn diện đến mọi mặt kinh tế xã hội và đời sống, trong đó ngành du lịch chịu ảnh hưởng trực tiếp và trực diện, nên các nội dung dự kiến tổ chức thực hiện trong quý I và quý II/2020 theo kế hoạch hầu như chưa triển khai được.
Riêng khu vực ĐBSCL còn phải gánh thiệt hại kép từ dịch và khô hạn. 6 tháng qua là giai đoạn hết sức khó khăn của cả nước nói chung và đối với TP.HCM, ĐBSCL nói riêng. Tăng trưởng của ngành du lịch quý I giảm sâu, và phục hồi chậm trong quý II, đã tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng GRDP của mỗi tỉnh, thành trong liên kết.
Do vậy, hội nghị bàn luận và thống nhất triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2020.
Đó là xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch chung quảng bá giới thiệu du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL; Tổ chức khảo sát 3 tuyến du lịch kết nối TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL; Tọa đàm góp ý hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ du lịch để kết nối với các doanh nghiệp lữ hành.
Cùng đó, phối hợp xây dựng phim quảng bá du lịch chung TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL về liên kết phát triển du lịch vùng và triển khai chiến dịch lan toả phim quảng bá chính thức về du lịch vùng đến các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế; Phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến mời gọi đầu tư du lịch vào TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL và 5 tỉnh Đông Nam Bộ…
Theo các đại biểu, liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL có vai trò và ý nghĩa trong phát triển du lịch trở thành đòn bẫy kinh tế xã hội của các địa phương, và đặc biệt quan trọng trong giai đoạn tập trung phát triển du lịch nội địa trong điều kiện bình thường mới hậu Covid-19.
Đặc biệt, việc phát huy có hiệu quả liên kết vùng ĐBSCL càng có giá trị với ngành du lịch phía Nam khi TP.HCM vừa ký kết liên kết phát triển du lịch với 5 tỉnh vùng Đông Nam Bộ, nối liền 2 vùng kinh tế lớn của phía Nam, kết nối 2 vùng thị trường lớn gần 80 triệu du khách mỗi năm.
Làm cho thị trường du lịch nội địa sôi động trở lại
Trong thời gian này thị trường du khách quốc tế chưa mở lại chính là thời điểm “vàng” cho sự đầu tư phát triển thị trường du khách nội địa. Thị trường khách nội địa vẫn chiếm 2/3 số du khách đến TP.HCM hàng năm và là thị trường trọng điểm của các tỉnh, thành ĐBSCL.
Theo cơ cấu tổng thu từ khách du lịch đến TP.HCM năm 2019, mặc dù chi tiêu khách quốc tế bằng 1,8 lần chi tiêu của khách nội địa, nhưng thu từ khách du lịch nội địa chiếm gần 60% trong tổng thu từ khách du lịch của TP.HCM. Đối với du lịch 13 tỉnh, thành ĐBSCL thì đây vẫn là nguồn thu chính.
Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Saigontourist Group cho biết, tính từ thời điểm ký kết thoả thuận đến nay, hệ thống lữ hành Saigontourist đã khai thác trên 12.000 lượt khách quốc tế và nội địa đến khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh đã gây ảnh hưởng đến các hoạt động chung.
Do vậy, Saigontourist đề nghị UBND 13 tỉnh, thành ĐBSCL tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan tích cực phối hợp triển khai các nội dung phối hợp liên quan, khắc phục những hạn chế sau dịch Covid-19; chấp thuận chủ trương, tạo điều kiện thuận lợi cho Saigontourist tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai các nội dung được phân công về liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL năm 2020.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL với lợi thế thoả thuận liên kết, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa dòng khách hai chiều.
Cụ thể, nếu làm bài toán hoán đổi, 1/3 của 10 triệu dân TP.HCM về du lịch ở ĐBSCL và ngược lại 1/3 của 20 triệu dân của 13 tỉnh, thành ĐBSCL đến du lịch ở TP.HCM, sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn trước mắt của doanh nghiệp, xáo bỏ dần tâm lý e ngại du lịch của người dân.
Bên cạnh đó, TP.HCM xác định là cửa ngõ du lịch, cần có các sản phẩm để “hút” dòng khách từ các tỉnh, thành khác đến trải nghiệm các tour du lịch liên kết từ Thành phố về ĐBSCL.
“Hoạt động du lịch 6 tháng cuối năm tuy còn khó khăn nhưng có nhiều thuận lợi hơn. Ở vai trò Chủ tịch Hội đồng, tôi đề nghị chúng ta cần quyết liệt triển khai các chương trình còn lại, đánh giá hiệu quả để mỗi chương trình thực hiện có kết quả tốt.
Cần đặt mục tiêu làm cho thị trường du lịch nội địa trong 6 tháng cuối năm sôi động trở lại, thậm chí phải đặt mục tiêu sôi động hơn cả giai đoạn trước dịch. Bởi lúc này không có sự cạnh tranh với các thị trường nước ngoài mà ngành du lịch phải sao để mỗi người dân đều muốn bước ra khỏi nhà, đi du lịch đây đó trong nước”, ông Phong nhấn mạnh.

QUANG TRÍ

Theo Bizlive

undefined