Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Không rèn luyện, người làm báo sẽ mất đi tính định hướng

12:00 | 21/06/2021

"Một nhà báo giỏi trong bất cứ tình huống nào cũng đưa thông tin chuẩn, đúng bản chất, đúng định hướng dư luận. Tố chất này đòi hỏi phải rèn luyện, nếu không sẽ mất tính định hướng".

Nhân dịp kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Nhà báo Trần Bá Dung có chia sẻ về những đặc điểm của báo chí hiện nay, cũng như những yêu cầu đặt ra đối với người làm báo trong bối cảnh mới.

Thưa ông, trong bối cảnh môi trường thông tin đa dạng và không ngừng mở rộng như hiện nay, ông đánh giá thế nào về vai trò dẫn dắt và định hướng dư luận của báo chí nước ta?

Việc dẫn dắt, định hướng dư luận là chức năng và nhiệm vụ của báo chí. Vai trò đó gần như là mặc nhiên. Báo chí nước nào cũng có vai trò kết nối giữa nguồn tin và người tiếp nhận thông tin, kết nối giữa chủ thể phát ngôn và người tiếp nhận thông tin phát ngôn. Đối với nước ta, Đảng lãnh đạo báo chí, do đó báo chí còn là tiếng nói và cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, và ngược lại.

Thứ nhất, báo chí của chúng ta là báo chí cách mạng, báo chí của Đảng, do Nhà nước quản lý. Do vậy, vai trò định hướng thể hiện rõ nhất trước hết là tiếng nói của Đảng và Nhà nước, là tiếng nói đại diện cho ý chí và nguyện vọng của giai cấp lãnh đạo cũng như ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Việc định hướng, dẫn dắt dư luận thông qua tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Thứ hai, mỗi khi có sự cố, dư luận có vấn đề, thì định hướng bằng cách nắm bắt lấy dư luận để phân tích, đưa ra những thông điệp để điều chỉnh dư luận.

Thứ ba, những lúc có tình huống đối lập về mặt lợi ích chính trị thì vai trò định hướng dẫn dắt thể hiện ở chỗ phải phản bác lại những luận điệu sai trái, ngược với lợi ích của Đảng, Nhà nước, Nhân dân lao động. Việc phản bác luận điệu sai trái ấy dựa trên quan điểm của Đảng, Nhà nước.

Thứ tư, định hướng bằng cách nêu gương, tức đưa ra một điển hình tiên tiến hoặc gương người tốt việc tốt…

Một trong những đặc thù của báo chí là phản ánh thông tin nhanh, chân thực, nhưng trong một số trường hợp nhanh, chân thực lại không mang tính định hướng dư luận, thậm chí có thể làm cho dư luận hoang mang. Ông nghĩ sao về những trường hợp này?

Nếu mà nói về nhanh với chân thực mà không mang tính định hướng thì không phải. Vấn đề là nhà báo phải có đủ bản lĩnh, đủ độ chín cả về mặt tri thức, kỹ năng và đạo đức. Những người đã đạt đến độ chín, có bản lĩnh, có trình độ, tri thức và đạo đức thì người ta nói nhanh vẫn không sai. Cung cấp thông tin nhanh vẫn đúng, vẫn trung thực chứ không có lệch hướng.

Một nhà báo giỏi trong bất cứ tình huống nào cũng đưa thông tin chuẩn, đúng bản chất, đúng định hướng dư luận. Cái này cũng đòi hỏi phải rèn luyện. Con số có thể sai nhưng bản chất vấn đề không thể sai.

Độc giả có thể hiểu nhầm thông điệp hoặc họ cố tình không hiểu. Đây chính là sự tương tác giữa báo chí và độc giả. Sự tương tác đó đôi khi nằm ngoài ý muốn của tác giả.

Có những độc giả cố tình hiểu sai vì người ta vốn ác cảm, có nói thế nào họ cũng hiểu như thế thôi. Tuy nhiên, có những trường hợp độc giả hiểu sai do khả năng truyền đạt thông tin của nhà báo. Có người non nghề, muốn truyền đạt thế này, nhưng khi viết ra, độc giả lại hiểu theo hướng khác. Lý do thì nhiều, có thể do khả năng dùng từ, câu, hay hình ảnh hạn chế. Điều đó khiến độc giả hiểu nhầm.

Có nghĩa là vấn đề đào tạo, rèn luyện rất quan trọng đối với người làm báo?

Đúng vậy. Việc đào tạo bồi dưỡng là rất cần thiết. Việc học trong nhà trường chỉ là một phần. Trong quá trình làm việc, nhà báo phải tự đào tạo, rèn luyện và bồi dưỡng. Nếu không thì ngòi bút sẽ cùn, kể cả bản lĩnh chính trị có vững vàng đến mấy, nhưng nếu không được cập nhật tri thức, cập nhật tình hình, không rèn luyện thêm hằng ngày thì đôi lúc sẽ bị cùn đi. Lúc ấy, anh cảm thấy mình lạc hậu và trở thành mất tính định hướng.

Không ai có thể nói rằng mình biết được tất cả, cuộc sống luôn có những diễn biến, tình huống mới. Nhà báo phải có đủ vốn sống, tri thức để tiếp cận và ứng xử. Cái này không phải một sớm một chiều mà có được. Các nhà báo đi làm lâu năm rồi vẫn phải học thêm, tự học hỏi. Học trong nghề, học trong sách vở, trong trường lớp và học cả nhân vật của mình.

Đây là một tính chất của báo chí hiện đại, nhất là báo điện tử. Nếu không có tương tác, bình luận, bày tỏ cảm xúc, đánh giá… thì không còn là báo. Kể cả báo chí truyền thống, báo in, đài phát thanh truyền hình vẫn phải tương tác. Vấn đề là tương tác như thế nào mà thôi. Báo điện tử thì rõ hơn bởi vì nó tương tác ngay. Nó là một thuộc tính, mình không thể đứng ngoài.

Nhưng chúng ta phải quan niệm cái tương tác đó gần như là một sự phát triển kéo dài về mặt nội dung cho bài viết. Ai làm báo giỏi, phát triển sự tương tác ấy cho bài viết thì bài lại càng hay. Độc giả thông qua tương tác bình luận sẽ nói giúp, sẽ khơi nguồn giúp nhà báo những cái mà bài báo chưa nói được. Điều đó quá tốt!

Đây cũng là một thước đo hiệu quả của bài báo. Chúng ta có thể đo được sức mạnh, tác động của bài báo. Nhà báo nào cũng phải quan tâm cái đó. Một bài báo viết ra mà không ai tương tác thì chứng tỏ bài báo không có hiệu quả. Nhưng ngược lại, tương tác rất nhiều nhưng mà toàn chửi bới thì cũng chưa hẳn hiệu quả.

Một phần đúng và một phần không đúng. Chúng ta không nên tuyệt đối hóa cái đó. Có những bài view rất cao nhưng chủ đề, nội dung đánh vào tâm lý tò mò của người đọc. Trong khi đó có những bài được đầu tư rất nhiều, hàm lượng chất xám cao, ý nghĩa tốt nhưng ít view, thì không có nghĩa họ kém hơn. Chúng ta không nên lấy cái tương tác, lượng view đó làm tuyệt đối mà chỉ nên lấy đó làm căn cứ để tham khảo.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

ĐỖ MINH KHÔI

Theo Bizlive

undefined