Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Ra mắt Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam-EU

12:00 | 23/10/2020

Hiệp hội doanh nghiệp (DN) châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức Lễ ra mắt Hội đồng DN Việt Nam - châu Âu (EVBC).

Đại diện VCCI và Eurocham tại Lễ ra mắt EVBC. Ảnh:VGP.

Tại lễ ra mắt, ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham nhận định, EVFTA là một Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới. Trong thập kỷ tới, Hiệp định này sẽ giúp thúc đẩy thương mại và đầu tư phát triển giữa Việt Nam, một trong những thị trường phát triển nhanh và hấp dẫn nhất với Liên minh châu Âu (EU), một khối thương mại hàng đầu thế giới.

EVFTA phát huy mọi tiềm năng hay không phụ thuộc rất lớn vào cộng đồng DN của cả hai bên, do đó, đây là một cơ hội “đôi bên cùng có lợi” thực chất đối với các công ty và người tiêu dùng.

“EuroCham tự hào thành lập nên Hội đồng DN Việt Nam-châu Âu cùng với VCCI và chúng tôi muốn tái khẳng định sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa EuroCham và VCCI khi mở ra chương mới trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU”, ông Nicolas Audier nói.

Đại diện phía Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, Hội đồng sẽ đại diện cho tiếng nói của DN Việt Nam và EU trong quá trình thực thi EVFTA, tích cực làm cầu nối đưa ý kiến của DN đến với Chính phủ, các cơ quan chức năng của cả Việt Nam và EU.

“EVBC ra đời sẽ hỗ trợ cộng đồng DN Việt Nam và EU, nhất là các DN nhỏ và vừa có thể “nhập làn cao tốc EVFTA”. Trên con đường đó, DN Việt Nam biết chắc sẽ phải đối diện với rất nhiều khó khăn nhưng không vì thế mà không lên cao tốc”, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.

EVBC được kỳ vọng sẽ hỗ trợ DN hai bên tận dụng tối đa, hiệu quả các Hiệp định EVFTA, đồng thời tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU.

Cơ cấu tổ chức của EVBC ban đầu có các lãnh đạo gồm 2 đồng Chủ tịch là Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc và Chủ tịch Eurocham Nicolas Audier và các chuyên gia, lãnh đạo DN và Hiệp hội ngành nghề  của Việt Nam và EU. Có khoảng 15 nhóm làm việc theo các ngành nghề chủ đạo trong nền kinh tế của Việt Nam và EU, chịu tác động mạnh từ Hiệp định. Dự kiến trước tiên sẽ tập trung vào các nhóm ngành bao gồm: Dệt may, thủy sản, da giầy, thương mại điện tử, nông nghiệp, dược phẩm thiết bị y tế, du lịch, sở hữu trí tuệ, luật pháp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, công nghiệp phụ trợ và logistic, đồ gỗ và nội thất, thuế và chuyển giá, tư vấn pháp luật và chính sách, rượu bia và đồ uống.

Sự hình thành của EVBC sẽ là cánh tay đắc lực của Chính phủ, hỗ trợ cộng đồng DN hai bên thực thi thành công Hiệp định này, góp phần tích cực vào quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và EU.

Trước mắt, bên cạnh việc tập trung cung cấp thông tin về EVFTA, những lợi thế và rào cản DN phải đối mặt, Hội đồng này sẽ xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên đặc biệt trong bối cảnh COVID-19 đang tác động rất mạnh đến hoạt động DN.

Có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020, EVFTA là Hiệp định thương mại tự do toàn diện và tham vọng nhất từng được ký kết giữa EU và một quốc gia đang phát triển và là Hiệp định thứ hai EU ký kết với một quốc gia thành viên ASEAN. Hiện nay Hiệp định đã đi vào hiệu lực, với 65% hàng hóa xuất khẩu từ EU sang Việt Nam cùng với 71% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU được miễn thuế. Con số này sẽ tăng lên 99% trong vòng 10 năm tới, giúp các DN Việt Nam có đặc quyền tiếp cận thị trường tiêu dùng rộng lớn của Châu Âu, và ngược lại, DN EU cũng có cơ hội tiếp cận tốt hơn với các lĩnh vực đang phát triển nhanh của Việt Nam.


Theo VGP

undefined