Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

WB: Các quốc gia Đông Á- Thái Bình Dương phải hành động ngay để giảm thiểu cú sốc kinh tế do Covid-19

12:00 | 31/03/2020

Ngày 31-3, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã công bố Báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương với tiêu đề “Đông Á và Thái Bình Dương thời Covid-19”.

Báo cáo nhận định cú sốc nguồn cung ở Trung Quốc đến nay đã gây ra cú sốc trên toàn cầu. Các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á và Thái Bình Dương(ĐÁ-TBD), đang phục hồi sau căng thẳng thương mại và đang chống chọi với dịch cúm vi-rút, nay lại phải đối mặt với viễn cảnh suy thoái và sốc tài chính toàn cầu.

Cú sốc COVID-19 cũng tác động nghiêm trọng đến nỗ lực giảm nghèo trên toàn khu vực. Ước tính theo kịch bản cơ sở về tăng trưởng, số người thoát nghèo toàn khu vực giảm 24 triệu người trong năm 2020 so với trường hợp không có đại dịch (theo ngưỡng nghèo 5,50 USD/ngày). Nếu tình hình kinh tế tiếp tục xấu đi và kịch bản tình huống thấp hơn xảy ra, số người nghèo ước tính sẽ tăng khoảng 11 triệu người. Các dự báo trước đó đưa ra ước tính 35 triệu người trong khu vực ĐÁ-TBD sẽ thoát nghèo vào năm 2020, bao gồm trên 25 triệu người chỉ tính riêng ở Trung Quốc.

Tăng trưởng ở các quốc gia đang phát triển ĐÁ-TBD được dự báo theo kịch bản cơ sở sẽ chỉ còn 2,1% và theo kịch bản tình huống thấp sẽ giảm tới mức âm 0,5% cho năm 2020, so với mức dự báo 5,8% vào năm 2019. Tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo theo kịch bản cơ sở sẽ giảm còn 2,3% và theo kịch bản tình huống thấp còn 0,1% vào năm 2020, so với 6,1% vào năm 2019. Kiềm chế được đại dịch sẽ giúp các nền kinh tế trong khu vực hồi phục một cách bền vững, mặc dù rủi ro vẫn còn đáng kể do căng thẳng trên thị trường tài chính.

Báo cáo kêu gọi hợp tác quốc tế và hợp tác công-tư xuyên biên giới kiểu mới để đẩy mạnh sản xuất và cung ứng các mặt hàng và dịch vụ y tế quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh, đồng thời đảm bảo ổn định tài chính sau đó. Quan trọng là chính sách mở cửa thương mại phải được duy trì sao cho vật tư y tế và các mặt hàng cung ứng khác phải sẵn sàng đến với mọi quốc gia, đồng thời tạo thuận lợi để khu vực phục hồi kinh tế nhanh chóng.

Một khuyến nghị chính sách nữa là nới lỏng tín dụng để giúp các hộ gia đình bình ổn tiêu dùng đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp sống sót qua cú sốc trước mắt. Tuy nhiên, do khả năng khủng hoảng bị kéo dài, báo cáo nhấn mạnh về nhu cầu phải kết hợp với giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt trong điều kiện nhiều quốc gia tại ĐÁ-TBD hiện đã có gánh nặng nợ lớn ở khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình. Đối với các quốc gia nghèo hơn, xoá nợ là cần thiết, sao cho nguồn lực quan trọng có thể được tập trung vào quản lý tác động kinh tế và y tế của đại dịch.

Báo cáo cũng chỉ ra rủi ro tương đối lớn về khả năng rơi vào nghèo đói ở các hộ gia đình sống phụ thuộc vào các ngành nghề đặc biệt dễ bị tổn thương với tác động của Covid-19, như ngành du lịch ở Thái Lan và các quốc đảo Thái Bình Dương, ngành chế tạo chế biến ở Campuchia và Việt Nam, và cả ở các hộ gia đình phụ thuộc vào việc làm trong khu vực phi chính thức ở tất cả các quốc gia.

 

Minh Ngọc

undefined