Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Những yếu tố nào đang gây áp lực lên tỷ giá USD/VND?

12:00 | 26/03/2020

4 yếu tố chính đang tác động đến tỷ giá USD/VND, tạo biến động mạnh từ giữa tháng 3/2020 đến nay.

Những yếu tố nào đang gây áp lực lên tỷ giá USD/VND?
Ảnh minh họa.
Diễn biến tỷ giá VND/USD từ đầu năm 2020 cho đến giữa tháng 3 khá ổn định và trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.
Giao động tỷ giá VND/USD trong các tháng đầu năm chỉ ở mức 0,2 – 0,3% và đạt mục tiêu điều hành của Nhà điều hành.
Tuy nhiên, bắt đầu từ giữa tháng 3/2020, tỷ giá VND/USD có dấu hiệu tăng khá mạnh tại tất cả các kênh với mức tăng 1,7 – 2% so với thời điểm đầu tháng 3/2020.
Theo báo cáo phân tích Bộ phận Nghiên cứu kinh tế vĩ mô của Công ty Chứng khoán MB (MBS) vừa đưa ra, có 4 yếu tố chính đang tác động đến tỷ giá USD/VND, bao gồm diễn biến tăng giá sốc của USD trên thị trường tài chính toàn cầu; động thái hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước; lạm phát và cung cầu USD trong nước.
USD tăng sốc
Với yếu tố thứ nhất, trong 2 tuần trở lại đây USD index đã tăng mạnh trên thị trường tài chính toàn cầu khi các nhà đầu tư đẩy mạnh việc bán ra các tài sản tài chính và đầu tư để nắm giữ đồng USD.
USD index đã tăng từ mức 94 điểm lên mức 103 điểm chỉ trong hai tuần, gây áp lực lên các đồng nội tệ của các quốc gia mới nổi trong đó có Việt Nam.
Theo phân tích của MBS, dịch Covid-19 đang diễn ra tại châu Âu và Mỹ đã và đang đe dọa gây ra một đợt suy thoái kinh tế trên toàn cầu và do đó các nhà đầu tư đang tìm đến USD như là một kênh trú ẩn an toàn nhất.
“Với việc USD index tăng 9% chỉ trong hơn 2 tuần, Ngân hàng Nhà nước cũng phải có động thái giảm áp lực bằng cách điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm tuy nhiên mức độ điều chỉnh là thấp so với mức tăng của USD cho thấy Nhà điều hành vẫn khá tự tin với khả năng điều hành tỷ giá trong thời gian tới”, MBS nhận định.
Dự báo được đưa ra, áp lực tăng giá USD trên thị trường tài chính toàn cầu có thể duy trì trong 1 tháng tới song sẽ giảm trong các tháng cuối năm 2020 khi Ngân hàng Trung ương Mỹ duy trì một chính sách tiền tệ siêu nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế và các nhà đầu tư sẽ tích cực mua vào các tài sản tài chính, giảm nắm giữ USD khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi sau dịch bệnh Covid-19.
Lãi suất huy động giảm khiến VND giảm sức hấp dẫn
Với yếu tố thứ hai, trong bối cảnh nền kinh tế có nguy cơ suy giảm tăng trưởng do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái giảm mạnh các mức lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế.
Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6% xuống 5%; lãi suất OMO giảm từ 4% xuống 3,5%; trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5% xuống 4,75%; lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên từ 6% xuống 5,5%; lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc là 1%.
Cùng với động thái điều hành của Ngân hàng Nhà nước cộng thêm nhu cầu huy động vốn không còn cao do triển vọng tăng trưởng tín dụng không cao, các ngân hàng thương mại cũng đã bắt đầu hạ mặt bằng lãi suất huy động cả kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài. Mức hạ cho các kỳ hạn dưới 6 tháng khá mạnh ở mức 0,3 - 0,5% trong khi mức hạ cho các kỳ hạn dài trên 6 tháng ở mức từ 0,1 - 0,2%.
“Việc các ngân hàng thương mại hạ mặt bằng lãi suất huy động đã góp phần làm giảm mức hấp dẫn của việc nắm giữ VND do đó làm tăng kỳ vọng hạ giá của VND trong thời gian tới mặc dù mức độ hạ lãi suất huy động không cao”, MBS nhận định.
Trong thời gian trước, mặt bằng lãi suất huy động tại Việt Nam luôn ở mức cao hơn nhiều so với Mỹ do Việt Nam là quốc gia đang phát triển có nhu cầu vốn đầu tư cao hơn Mỹ (xét trên phương diện tỷ lệ vốn đầu tư/GDP). Mức độ chênh lệch thường từ 5- 6% trong các năm trở lại đây cũng góp phần làm VND trở nên hấp dẫn hơn và hỗ trợ ổn định tỷ giá VND/USD.
Với việc thị trường kỳ vọng mặt bằng lãi suất của Việt Nam hạ trong thời gian tới thì sức ép lên tỷ giá VND/USD vẫn còn. Tuy nhiên, sức ép lên VND từ khía cạnh này sẽ giảm trong thời gian tới khi Fed áp dụng biện pháp bơm tiền mạnh tay với các gói mua trái phiếu với khối lượng không giới hạn đẩy mặt bằng lãi suất tham chiếu của Mỹ xuống mức gần không và sẽ khiến lãi suất huy động tại Mỹ giảm mạnh.
Lạm phát của Việt Nam lên cao gây áp lực giảm giá VND
Lạm phát của Việt Nam và Mỹ luôn có chênh lệch trong các năm qua và phần lớn thời điểm lạm phát của Việt Nam cao hơn lạm phát tại Mỹ. Chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và Mỹ trong các năm trước giao động trong khoảng 0,6% đến 2,9%. Chênh lệch lạm phát thấp khiến áp lực mất giá của VND so với USD đã giảm đi đáng kể và từ năm 2014 đến đầu năm 2020.
Tuy nhiên, áp lực lạm phát của Việt Nam đã tăng lên kể từ các tháng cuối năm 2019 đến các tháng đầu năm 2020. CPI bình quân hai tháng đầu năm 2020 tăng 5,91% so với bình quân cùng kỳ 2019. Trong đó CPI tháng 2 tăng 1,06% so với tháng 12/2019 và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước - tốc độ tăng của cả hai chỉ số CPI vẫn tiếp tục cao nhất trong 7 năm qua.
Chênh lệch lạm phát của Mỹ và Việt Nam thời điểm hiện tại đã tăng lên khá cao (2,3% so với 5,4%) với mức chênh lệch là 3,1%. Theo MBS, mức chênh lệch cao này đang tạo nên kỳ vọng giảm giá của VND mạnh hơn so với bình thường, khiến áp lực lên tỷ giá VND/USD tăng lên.
Tuy nhiên, khối phân tích của MBS cho rằng, trong tháng 3 và tháng 4 tới dự kiến lạm phát tại Việt Nam sẽ suy giảm khi nhiều nhóm hàng hóa sẽ giảm giá bao gồm xăng dầu (giảm do giá thế giới giảm), thực phẩm giảm giá (do nguồn cung thịt lợn phục hồi trở lại), dịch vụ vui chơi ăn uống ngoài gia đình (do sức cầu thấp) do đó mức chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và Mỹ dự kiến sẽ thu hẹp qua đó làm giảm áp lực lên VND.
“Mặc dù yếu tố áp lực lạm phát vẫn còn song chúng tôi đánh giá mức lạm phát tại Việt Nam hoàn toàn có khả năng giảm về mức dưới 3,5% trong năm 2020. Dự kiến mức chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và Mỹ cuối năm 2020 sẽ giao động quanh mức 2%. Do đó dựa trên lý thuyết ngang giá sức mua có thể dự đoán, VND sẽ chỉ mất giá khoảng2%/năm so với đầu năm”, MSB nhận định.
Cân đối cung cầu USD trong nước không còn thuận lợi
Trong các năm trở lại đây, nhờ kiên trì điều hành nền kinh tế theo trọng tâm hướng tới xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, dòng kiều hối dồi dào nên cán cân thanh toán của Việt Nam đa phần đạt trạng thái thặng dư.
Tuy nhiên, trong các tháng đầu năm cung cầu USD không còn được thuận lợi như các năm trước do ảnh hưởng từ suy giảm kinh tế toàn cầu do dịch Covid 19.
Trong 2 tháng đầu năm 2020, khu vực xuất khẩu của Việt Nam suy yếu và chỉ tăng 2,4% so với cùng kỳ, giảm mạnh so với mức tăng 7-8% tại các thời điểm bình thường.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục tăng nhưng mức tăng không cao. Cụ thể, FDI giải ngân trong 2 tháng đầu năm chỉ đạt 2,5 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ. Nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) cũng suy giảm khi các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường bán ra các tài sản tài chính của Việt Nam để quản trị rủi ro khi nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới đã tương đối rõ ràng.
Trong 3 tháng đầu năm, ước tính các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng cổ phiếu niêm yết với giá trị khoảng 7.000 tỷ và bán ròng trái phiếu chính phủ với mức bán ròng khoảng 3.000 tỷ đồng.
Mặc dù gặp các bất lợi như trên, MBS vẫn đánh giá Việt Nam đủ nguồn cung USD để điều phối, tỷ giá VND/USD trong thời gian tới có diễn biến hài hòa.
Cán cân thanh toán thặng dư trong quá khứ đã tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bổ sung nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào và qua đó gia tăng dư địa điều chỉnh tỷ giá VND/USD phù hợp với mục tiêu đặt ra.
Dự trữ ngoại hối gia tăng liên tục từ 2012 đến nay. Trong các năm từ 2013 đến 2020, Ngân hàng Nhà nước chủ yếu để tỷ giá biến động trong kênh theo cung cầu tự nhiên của thị trường và hiếm khi phải bán ra USD để can thiệp vào thị trường ngoại hồi do nguồn cung USD tương đối dồi dào đảm bảo nhu cầu trong nước.
Dự trữ ngoại hối đã tăng đáng kể vào cuối 2019 khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua vào USD khi nguồn ngoại tệ dồi dào. Hiện tại, dự trữ ngoại hối ước đạt khoảng hơn 80 tỷ USD, đã đạt gần 4 tháng nhập khẩu và cao hơn đáng kể so với mức nợ ngoại tệ ngắn hạn của nền kinh tế là 21,9 tỷ USD do đó hỗ trợ mạnh mẽ cho sự ổn định tỷ giá VND/USD trong tương lai.
“Nhìn chung chúng tôi đánh giá nguồn cung USD của Việt Nam trong năm 2020 vẫn sẽ khá dồi dào đảm bảo đủ nhu cầu của nền kinh tế do đó tỷ giá VND/USD sẽ không sức ép dài hạn từ yếu tố này”, MBS nhận định.
Theo đó, MBS cho rằng, xét về dài hạn trong các tháng tới cho đến hết năm 2020, tỷ giá VND/USD có thể giữ ổn định với các yếu tố cơ bản đều thuận lợi. Xu hướng chung vẫn là VND sẽ giảm giá so với USD và có những thời điểm mức giảm có thể trên 3% so với đầu năm. Tuy nhiên, vào cuối năm với mức độ điều chỉnh sẽ chỉ khoảng 2%/năm do các yếu tố hỗ trợ sức mạnh củ
a USD sẽ suy giảm.

TRẦN THÚY

Theo Bizlive

undefined