Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Rủi ro cho vay các dự án BOT dần trở thành hiện thực

12:00 | 22/10/2019

Những cảnh báo về rủi ro cho vay BOT của Ngân hàng Nhà nước ( NHNN) cách đây gần 2 năm dường như đang trở thành hiện thực, khi mới đây trong báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã bày tỏ lo ngại về khoản dư nợ 53.000 tỷ đồng cho vay BOT có nguy cơ phải cơ cấu lại, phát sinh nợ xấu cho ngân hàng.

Rủi ro cho vay các dự án BOT dần trở thành hiện thực

ảnh: Báo Tin Tức

Trong bản báo cáo dài 21 trang này, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho biết, đến ngày 30/9/2019, tín dụng tăng 9,4% so với cuối năm 2018. Tổng phương tiện thanh toán tăng 8,86% so với cuối năm 2018 (cùng kỳ tăng 8,81%). Như vậy, so với con số công bố tính đến ngày 20/9/2019, tín dụng đã tăng từ mức 8,4% lên 9,4%, tương đương với mức tăng 1% chỉ trong vòng 10 ngày.

Theo đó, trên cơ sở mức tăng trưởng 13,89% của tín dụng cuối năm 2018, mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2019, NHNN định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 là 14%, có điều chỉnh linh hoạt phù hợp diễn biến, tình hình thực tế nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Đến ngày 30/9/2019, tín dụng tăng 9,4% so với cuối năm 2018. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Tín dụng ngoại tệ được kiểm soát phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế.

Cụ thể, đến tháng 8/2019, tín dụng đối với ngành công nghiệp tăng 6,76% so với cuối năm 2018, chiếm tỷ trọng 19,61%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,4%, chiếm 14,98%; tín dụng đối với ngành xây dựng tăng 7,61%, chiếm 9,66%. Tín dụng đối với ngành dịch vụ tăng 9,27%, chiếm 61,8%.

Cũng tính đến tháng 8/2019, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 6% so với cuối năm 2018, chiếm khoảng 24,26% tổng dư nợ đối với nền kinh tế; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,42%, chiếm 18,67%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 13,21%, chiếm 3,16%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 1,85%, chiếm 2,91%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 22,04%, chiếm 0,41%.

Tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (bao gồm cả mục đích kinh doanh và mục đích tự sử dụng) tăng 14,58% so với cuối năm 2018, chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế; lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng 8,7%, chiếm 0,4%; tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống tăng 13,92%, chiếm 20,69%.

Đáng chú ý, ước đến tháng 9/2019, tín dụng các dự án BOT, BT giao thông tăng 1,85%, chiếm 1,4%. Cũng tại báo cáo này, Thống đốc Lê Minh Hưng bày tỏ lo ngại khi có nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 53.000 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các NHTM.

Người đứng đầu ngành ngân hàng đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ ngành liên quan phối hợp chặt chẽ và tham gia hỗ trợ tích cực với ngành Ngân hàng. Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông. Hai là, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm huy động các nguồn vốn có tính chất dài hạn phù hợp với nhu cầu vốn dài hạn của các dự án. Và tập trung xử lý các vướng mắc liên quan đến thu phí và triển khai thu phí tự động không dừng.

Cũng cần nhắc lại rằng vào năm 2017, NHNN đã liên tiếp có các công văn cảnh báo các tổ chức tín dụng về việc cho vay vốn đối với dự án BOT, BT sau khi đã trải qua một giai đoạn tăng trưởng nóng. Với tiềm lực tài chính của nhiều nhà đầu tư dự án có vấn đề khi chỉ góp vốn 10-15%, các dự án trúng thầu thiếu minh bạch và hiệu quả không rõ ràng, việc cho vay đối mặt với những rủi ro khó lường. Và giờ đây điều đó dường như đang trở thành hiện thực.

Cũng một báo cáo vào cách đây 2 năm cho biết 4 ngân hàng cho vay BOT lớn nhất là BIDV, Vietcombank, VietinBank và SHB, chiếm 91% dư nợ, trong đó VietinBank và Vietcombank đang có tốc độ tăng trưởng tín dụng vào các dự án BOT, BT giao thông ở mức rất cao. Còn theo cập nhật gần đây nhất đến hết tháng 7/2019, dư nợ cho vay BOT chỉ còn 99 nghìn tỷ đồng, dự báo tiếp tục giảm xuống bởi chủ trương của NHNN là yêu cầu các TCTD kiểm soát chặt chẽ vốn vào các dự án BOT, BT giao thông. Đáng lưu ý là có đến 30 dự án BOT đang trong tình trạng không đảm bảo doanh thu để trả nợ cho ngân hàng.

Một rủi ro mà các ngân hàng phải đối mặt nữa là với đặc thù của các dự án giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT thường có vòng đời dự án dài tới 15 đến 20 năm, nhưng vốn ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. Sự chênh lệch kỳ hạn này nếu công tác quản trị rủi ro của ngân hàng không tốt hoặc dự án không thu hồi vốn theo kế hoạch thì rủi ro cho nhà băng là rất lớn.


Gia Lê

Theo DNSG

undefined