Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

WB chỉ ra lý do các doanh nghiệp Việt Nam khó tăng được năng suất lao động

12:00 | 01/06/2020

Trách nhiệm chồng chéo và năng lực quản trị doanh nghiệp yếu có thể làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực trong khu vực nhà nước.

WB chỉ ra lý do các doanh nghiệp Việt Nam khó tăng được năng suất lao động
Ảnh: GettyImages
Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã công bố báo cáo “Việt Nam Năng động: Tạo Nền tảng cho Nền Kinh tế Thu nhập Cao” đưa ra những phân tích và khuyến nghị chính sách làm thế nào Việt Nam có thể nâng cao chất lượng tăng trưởng trong thập niên tới.
Theo đó, mô hình phát triển dựa vào năng suất – kết hợp đổi mới, sáng tạo với phát triển cân bằng và phân bổ hiệu quả vốn tư nhân và nhà nước, vốn nhân lực và vốn tự nhiên – sẽ là yếu tố then chốt để Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.
Theo phân tích của WB trong báo cáo, nhìn chung năng suất lao động của Việt Nam còn thấp và sự chênh lệch về năng suất giữa các doanh nghiệp phản ánh cả các yếu tố bên trong và bên ngoài. Ví dụ, năng suất của các doanh nghiệp FDI cao hơn có thể do áp dụng công nghệ mới và năng lực quản lý tốt hơn. Hầu hết các DNNN thường có nghĩa vụ cung cấp dịch vụ công, do đó không thể tối đa hóa lợi nhuận.
Ngoài ra, trách nhiệm chồng chéo và năng lực quản trị doanh nghiệp yếu có thể làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực trong khu vực nhà nước. Các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân trong nước lại thường có quy mô nhỏ, khó có thể tận dụng lợi ích kinh tế của quy mô. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh bị thiếu vốn và ít khi đầu tư vào các công nghệ mới.
Các doanh nghiệp cũng nhạy cảm với chất lượng của môi trường kinh doanh. Mặc dù Việt Nam đã cải thiện thứ hạng trong báo cáo Môi trường Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (từ xếp thứ 90 năm 2010 lên 70 năm 2020), nhưng vẫn bị tụt lại trong một số chỉ số phụ như thuế, thủ tục qua biên giới và công bố thông tin.
Khảo sát doanh nghiệp năm 2016 cho thấy vẫn còn nhiều trở ngại lớn, bao gồm tiếp cận tín dụng, tham nhũng, khả năng kết nối và thuế. Ngoài việc hiệu quả hoạt động không đồng đều giữa các loại hình doanh nghiệp cho thấy không phải tất cả các doanh nghiệp đều bình đẳng trong môi trường kinh doanh, vì các doanh nghiệp nhỏ trong nước phải đối mặt với những thách thức lớn hơn so với các doanh nghiệp FDI lớn và DNNN, những đơn vị có nguồn nhân lực và tài chính để vượt qua những rào cản này.
Vì tầm quan trọng của vấn đề này nên báo cáo chuyên đề về vốn tư nhân đã tập trung vào một số rào cản được xem là quan trọng ở Việt Nam. Báo cáo cho rằng doanh nghiệp gặp khó khăn vì sân chơi không bình đẳng, tình trạng tham nhũng, khó tiếp cận tín dụng và hỗ trợ đổi mới sáng tạo còn hạn chế. Việc lựa chọn các rào cản để phân tích dựa trên kết quả của các chỉ số nêu trên và các nghiên cứu gần đây.
Báo cáo không phân tích phát triển kỹ năng và cơ sở hạ tầng vì đây là chủ đề của các báo cáo chuyên đề khác. Nhiều doanh nghiệp phản ánh không được hoạt động trên một sân chơi không bình đẳng.
Ví dụ, theo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ có 30% doanh nghiệp coi các quyết định và nghị định pháp lý là minh bạch. Hơn 3/4 các doanh nghiệp được khảo sát đồng ý với ý kiến cho rằng “Hợp đồng, đất đai và các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp có quan hệ
Hàm hồi quy liên tỉnh trong giai đoạn 2013-2016 cho thấy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp có mối liên hệ chặt chẽ với đảm bảo quyền sử dụng đất, tính minh bạch của các văn bản pháp lý và nhận thức về sự đối xử thiên vị của chính quyền tỉnh hoặc tòa án tỉnh. Nói cách khác, chất lượng của môi trường kinh doanh, bao gồm các quy trình thủ tục chính thức và cách thức thực hiện, dường như là yếu tố quyết định chính đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cũng quan ngại về tham nhũng trong hành chính công. Theo Khảo sát doanh nghiệp năm 2016, 9 trong số 10 doanh nghiệp dự kiến sẽ tặng quà cho các cán bộ nhà nước để công việc của họ được giải quyết, trong khi chỉ có 52% doanh nghiệp dự kiến làm tương tự ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Dữ liệu gần đây hơn cho thấy tỷ lệ tham nhũng đã giảm trong những năm qua, nhưng mức độ vẫn đặc biệt lớn. Theo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, 59% doanh nghiệp tiếp tục hối lộ trong năm 2017.
Tiếp cận vốn vẫn là khó khăn lớn nhất, đặc biệt đối với các doanh nghiệp tư nhân nhỏ tại Việt Nam. Theo Khảo sát Doanh nghiệp năm 2016, chỉ 29% các doanh nghiệp nhỏ nhất (có từ 1 đến 20 lao động) đang được cấp tín dụng so với 57% doanh nghiệp lớn (có trên 100 lao động).
Điều nghịch lý là những khó khăn về vốn xuất hiện trong một môi trường tăng trưởng tín dụng cao và thanh khoản dồi dào, nhưng thị trường tín dụng bị phân mảng mạnh giống như ở nhiều nước đang phát triển khác.
Một mặt, các doanh nghiệp lớn (bao gồm cả DNNN) và những doanh nghiệp có tài sản thế chấp (như công ty kinh doanh bất động sản) được tiếp cận vốn từ thị trường tương đối dễ dàng. Mặt khác, các doanh nghiệp không có lịch sử tín dụng hoặc không có tài sản thế chấp gần như không thể tiếp cận tín dụng.
Khoảng 90% ngân hàng yêu cầu tài sản thế chấp với giá trị ước tính cao hơn 2,5 lần so với giá trị khoản vay. Do đó, tăng trưởng tín dụng cho khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) chỉ khoảng 3% mỗi năm, thấp hơn 4-5 lần so với mức tăng trưởng tín dụng trung bình của cả nền kinh tế. Chính vì vậy, đầu tư của các DNVVN rất thấp và phần lớn bằng vốn tự có.
Cuối cùng, có bằng chứng cho thấy năng lực đổi mới, sáng tạo của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (NC & PT) của Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ khoảng 0,4% GDP, so với Úc (2,2%), Singapore (2,2%), Trung Quốc (2,1%) và Malaysia (1,3%). Quan trọng hơn nữa là đầu tư này vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực công (56%), so với Trung Quốc (22%) và Singapore (37%) là những nước chủ yếu dựa vào khu vực tư nhân.
Tương tự, mặc dù số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế đã tăng (từ 196 đến 560 trong một thập kỷ),28 nhưng Việt Nam vẫn là nước có số bằng sáng chế được cấp thấp nhất so với số lượng đơn xin cấp bằng. Cho dù tình hình tăng năng suất trong doanh nghiệp, đặc biệt là trong các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, đã đạt được kết quả tích cực, số lượng các sáng kiến đổi mới, sáng tạo tự báo cáo dường như cũng thấp hơn so với trình độ phát triển chung, đặc biệt là về đổi mới sản phẩm.

TRUNG MẾN

Theo Bizlive

undefined