Chính sách

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

G20 - Chung tay đưa kinh tế thế giới vượt qua khó khăn và những đóng góp của Việt Nam

12:00 | 22/11/2020

Dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự cả hai phiên thảo luận của Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này với các chủ đề: “Vượt qua đại dịch, phục hồi tăng trưởng và việc làm” và “Xây dựng tương lai bền vững, bao trùm và có khả năng chống chịu”.

Nhận lời mời của nước Chủ tịch G20 năm 2020 là Saudi Arabia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 theo hình thức trực tuyến vào ngày 21-22/11. Việc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ giúp Việt Nam góp tiếng nói vào việc giải quyết những vấn đề chung của nền kinh tế thế giới.

Tiếp tục phối hợp để phục hồi tăng trưởng kinh tế

Năm 2020, Saudi Arabia giữ vai trò là Chủ tịch luân phiên của G20. Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2020 dự kiến suy thoái sâu, triển vọng phục hồi bấp bênh, không đồng đều và tiềm ẩn nhiều rủi ro do dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và cạnh tranh chiến lược nước lớn gia tăng.

Xu hướng chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực được đẩy mạnh nhăm đa dạng hóa và phân tán rủi ro. Chuyển đổi số được đẩy nhanh trên phạm vi toàn cầu, đặt ra yêu cầu về hợp tác xây dựng các quy tắc, chuẩn mực quốc tế trong quản lý nền kinh tế số. Cải cách quản trị kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là dịch Covid-19, gây ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội của nhiều nước, triển khai Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Năm nay, cũng do tác động của dịch Covid-19 nên các hội nghị của G20 kể từ tháng 3 đều được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Trong năm qua, nước Chủ tịch Saudi Arabia đã thúc đẩy phối hợp chính sách toàn cầu trong ứng phó dịch Covid-19 và phục hồi tăng trưởng kinh tế trở thành trở thành một trong những ưu tiên trong chương trình nghị sự của G20.

Đến nay, các nước thành viên G20 đã đóng góp hơn 21 tỷ USD để hỗ trợ tài trợ cho y tế toàn cầu. Số tiền cam kết hỗ trợ trên sẽ được sử dụng cho các công tác chẩn đoán, nghiên cứu và phát triển vaccine, điều trị Covid-19, những hoạt động nghiên cứu và phát triển khác.

Chính phủ Saudi Arabia cho biết với chủ đề “Hiện thực hóa cơ hội của thế kỷ XXI cho tất cả mọi người”, Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào ngày 21 và 22/11 tới sẽ tập trung vào việc bảo vệ cuộc sống và khôi phục tăng trưởng bằng cách giải quyết những khó khăn trong đại dịch Covid-19 và đặt ra nền tảng cho một tương lai tốt đẹp hơn. Một số nội dung được nước Chủ tịch G20 ưu tiên thúc đẩy năm nay bao gồm:

Hợp tác ứng phó dịch Covid-19: Thúc đẩy huy động nguồn lực và hợp tác nghiên cứu, sản xuất, phân phối vaccine kịp thời, minh bạch, bình đẳng và với chi phí phù hợp tới mọi đối tượng, trên cơ sở nguyên tắc tự nguyện về cấp phép sở hữu trí tuệ; nâng cao năng lực chuẩn bị, khả năng ứng phó với các nguy cơ đại dịch toàn cầu trong tương lai.

 

Về thương mại-đầu tư: Bảo đảm môi trường thương mại và đầu tư mở, minh bạch, bao trùm, không phân biệt đối xử, duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu, khẳng định ủng hộ các cải cách cần thiết của WTO

Về kinh tế số: Khẳng định vai trò của kết nối, công nghệ số, dòng dữ liệu lưu chuyển tự do đi lại đối với bảo đảm tin cậy trong phát triển kinh tế số.

Về phát triển bền vững: Nhấn mạnh hiện thực hóa các mục tiêu SDGs đúng thời hạn; tăng cường trao quyền cho phụ nữ; nỗ lực hướng tới mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lực lượng lao động; sử dụng hiệu quả năng lượng; quản lý bền vững nguồn nước, bảo đảm an ninh lương thực, chống suy thoái đất, bảo tồn san hô…

Những đóng góp của Việt Nam

Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần đầu tiên vào năm 2010 với tư cách Chủ tịch ASEAN. Tại Hội nghị này, Việt Nam đã đề xuất và thúc đẩy một số vấn đề được các nước đang phát triển, đặc biệt là ASEAN và Việt Nam quan tâm như: biến đổi khí hậu (nêu sáng kiến về việc G20 thành lập Quỹ đặc biệt hỗ trợ các nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu; thành lập Diễn đàn các quốc gia ven biển đối phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái biển), thương mại, phát triển…

 

Sau đó, trên cương vị Chủ nhà APEC năm 2017, Việt Nam được mời tham dự Hội nghị G20 và các hoạt động liên quan trong năm Đức làm Chủ tịch. Việt Nam đã tích cực tham dự và đóng góp có trách nhiệm tại Hội nghị cũng như trong quá trình tham gia các hoạt động của G20 trong năm, tạo được ấn tượng tốt đối với G20 và góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trong APEC 2017.

Tại Hội nghị G20 năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị G20 xây dựng Khuôn khổ toàn cầu mới về thúc đẩy tự do thương mại, chuyển giao công nghệ các sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số và xem xét lập Diễn đàn toàn cầu về khởi nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn tốt về khởi nghiệp sáng tạo.

Nhiều ý kiến đóng góp của Việt Nam đã được G20 ghi nhận trong Tuyên bố chung như đề cao hợp tác quốc tế trong xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu, phát triển bao trùm và bền vững, nông nghiệp và an ninh nguồn nước, việc làm trong kinh tế số…

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phối hợp, thúc đẩy lợi ích và quan tâm chung của các nước đang phát triển trong nghị sự kinh tế toàn cầu như: thương mại-đầu tư quốc tế, chống biến đổi khí hậu, cải cách quản trị kinh tế-tài chính toàn cầu…

G20 năm 2019, nước chủ nhà Nhật Bản mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 với tư cách là một trong 8 khách mời đặc biệt. Theo đó, Việt Nam tham dự các hội nghị và cuộc họp trong khuôn khổ G20 năm 2019; tham gia thảo luận tại tất cả các phiên họp của Hội nghị thượng đỉnh và đóng góp ý kiến cho dự thảo Tuyên bố chung Hội nghị.

Năm nay, là nước Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam được nước Chủ tịch G20 Saudi Arabia mời tham gia các Hội nghị quan trọng của G20 như: Hội nghị cấp Bộ trưởng trong các lĩnh vực ngoại giao, tài chính-ngân hàng, nông nghiệp, giáo dục, y tế, kinh tế số, lao động-việc làm, môi trường, năng lượng, thương mại, du lịch…

Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 là một hoạt động đối ngoại đa phương quan trọng của Việt Nam trong năm 2020, có ý nghĩa nhiều mặt về chính trị, đối ngoại và kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động sâu sắc đến kinh tế toàn cầu.

Dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự cả hai phiên thảo luận của Hội nghị lần này với các chủ đề: “Vượt qua đại dịch, phục hồi tăng trưởng và việc làm” và “Xây dựng tương lai bền vững, bao trùm và có khả năng chống chịu”.

Việt Nam tham dự Hội nghị lần này nhằm các mục tiêu: Truyền thông điệp về kết quả của Việt Nam trong ứng phó dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, khẳng định hình ảnh phát triển năng động, khả năng thích ứng, cởi mở, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Thúc đẩy các nội dung phù hợp với lợi ích của Việt Nam, thể hiện tinh thần xây dựng và đóng góp tích cực, trách nhiệm vào các vấn đề quản trị kinh tế toàn cầu; Góp phần nâng cao hơn nữa vị thế và vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 và Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Sơ lược lịch sử thành lập G20

Ý tưởng về việc thành lập G20 được đưa ra tháng 9/1999 tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu (G7) ở thủ đô Washington, Mỹ. Khi đó, cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ châu Á (1997-1998) đã khiến cho các nền kinh tế hàng đầu thế giới nhận thấy sự cần thiết của việc phối hợp giữa các nền công nghiệp chủ chốt và các thị trường mới nổi trong hoạch định chính sách tài chính và kinh tế toàn cầu.

Đến tháng 12/1999, Hội nghị thành lập nhóm G20 đã diễn ra tại Berlin, Đức với sự tham dự của Bộ trưởng tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương của các nước thành viên.

Các thành viên của G20 bao gồm 19 quốc gia và một khối khu vực: các quốc gia trong nhóm G7 (Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Italy và Canada); Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), các nền kinh tế mới nổi có quy mô lớn (Australia, Argentina, Indonesia, Mexico, Saudi Arabia, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ) và Liên minh châu Âu (EU). Quy mô của G20 chiếm 2/3 dân số thế giới, hơn 80% GDP toàn cầu và 80% thương mại quốc tế.

Nhóm G20 họp thường niên ở cấp Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước thành viên để thảo luận các vấn đề kinh tế-tài chính toàn cầu giữa các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi. Nhiệm vụ chính của nhóm là thúc đẩy các cuộc thảo luận mang tính xây dựng cởi mở giữa các quốc gia công nghiệp và các quốc gia có nền kinh tế mới nổi về các vấn đề liên quan đến sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu.

Còn nhớ vào năm 2008, khi nổ ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, G20 đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh và thông qua Tuyên bố chung khẳng định cam kết chính trị ở cấp cao nhất về phối hợp hành động ứng phó với khủng hoảng. Bằng cách góp phần vào việc tăng cường cơ cấu tài chính quốc tế, tạo điều kiện đối thoại về các chính sách quốc gia, hợp tác quốc tế và các cơ quan tài chính quốc tế, nhóm G20 đã góp phần quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Đến nay, G20 đã tổ chức 14 Hội nghị Thượng đỉnh để thảo luận hầu hết các vấn đề lớn của kinh tế thế giới, đã thông qua nhiều văn kiện, thỏa thuận quan trọng về chống khủng hoảng tài chính toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng, thương mại, đầu tư, đổi mới-sáng tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, chống dịch bệnh…

Hội nghị Thượng đỉnh G20 gần đây nhất là hội nghị lần thứ 14, tổ chức ngày 28 và 29/6/2019 tại thành phố Osaka, Nhật Bản. Diễn ra vào năm đánh dấu 20 năm thành lập G20, có thể nói Hội nghị thượng đỉnh Osaka đã có những thành công nhất định, dù chưa trọn vẹn. Khép lại hội nghị, các lãnh đạo G20 đã gửi một thông điệp mạnh mẽ về những nguyên tắc cơ bản ủng hộ một “hệ thống thương mại và đầu tư tự do, nhằm đảm bảo thương mại tự do, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch, có thể đoán trước và ổn định”, đồng thời nhất trí sử dụng “mọi công cụ chính sách” để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu đối mặt với những nguy cơ xấu và đạt tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện.

Theo Thế giới & Việt Nam

 

undefined