Chính sách

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Những chính sách khả thi cho năm 2020

12:00 | 17/03/2020

Trong khi mục tiêu giữ vững tăng trưởng GDP trên 7% có khả năng khó thực hiện, thì nhiệm vụ điều tiết giảm chỉ số giá tiêu dùng có nhiều ý nghĩa về mặt xã hội hơn.

Thịt lợn và chỉ số giá tiêu dùng

Thịt lợn chiếm tỷ trọng lớn 60-70% trong bữa ăn người Việt Nam, thịt lợn còn là đầu vào chế biến và ẩm thực của rất nhiều món ăn và thực phẩm chế biến, từ giò lụa cho đến bún mì miến…và đồ hộp. Việc gia tăng giá thịt lợn 20-50% vào cuối năm 2019 do ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, đã có một hiệu ứng dây chuyền lên gần như toàn mặt bằng giá thực phẩm, làm cho giá trị bữa ăn của gia đình Việt Nam giảm chất lượng từ 10-30%.

Nhiều món ăn trước và sau Tết bị tăng giá, các món ăn bình dân như bánh cuốn, bánh mì thịt tăng 15.000 - 17.000 đồng; các món bún, mì, hủ tiếu tăng 5.000 đồng; thịt gà theo đà tăng giá thịt heo cũng tăng giá từ 20.000 - 50.000 đồng/kg; các loại cá và hải sản cũng tăng giá theo chừng 20%.

Cho dù đến nay, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng sản lượng thịt lợn gia tăng 20% nhưng thật ra quan trọng hơn là bộ không thể điều tiết giá bán lẻ của doanh nghiệp. Ngay trong tất cả các siêu thị cho đến hôm nay giá thịt lợn không giảm so với trước Tết. Thịt lợn ba chỉ (ba rọi) vẫn ở mức bán lẻ 220.000 đồng/kg cao hơn đầu năm 2019 là 50.000 - 70,000 đồng/ kg.

Thịt lợn là nguyên nhân làm tăng CPI trong tháng 1 (tăng 1,23% so với tháng 12/2019).

Trong khi giá xăng dầu có một hệ thống điều tiết và công thức tính giá khá minh bạch, thì việc điều tiết giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như thịt lợn, gần đây đã bị bỏ ngỏ, đó là từ khi Vissan (Satra) và Hapro (Hà Nội) không còn đủ sức đóng vai trò "bình ổn giá" như trước đây, nguyên nhân bởi sự tham gia thị trường của những tập đoàn lớn như Masan (MEAT Deli) và Hapro.

Đồi với người dân bình thường, nhất là người lao động thu nhập thấp, việc giá tiêu dùng, giá thịt lợn bình ổn trở lại quan trọng và ý nghĩa hơn so với chỉ số GDP.

Cần một sự điều chỉnh trong chính sách phân phối và bán lẻ thịt lợn

Có thể nói đặc thù hệ thống bán lẻ của gạo và thịt lợn gần giống nhau, trong đó xấp xỉ 50% phân bố giữa các doanh nghiệp có thương hiệu và so với tư thương bán lẻ theo kiểu cũ. Thậm chí phía tư thương còn được ưu đãi thuế do quản lý thuế hộ kinh doanh cá thể, mức chênh lệch tiền thuế so với doanh nghiệp lên đến 5%.

Khi nhà nước kêu gọi nhà chăn nuôi giảm giá bán như hiện nay, hầu như chỉ có giới trung gian và tư thương là có lãi to. Nếu cần một giải pháp triệt để thì có thể quản lý toàn bộ tư thương kinh doanh bán lẻ thịt lợn hoặc làm đại lý chính thức cho doanh nghiệp, hoặc phải nâng cấp từ hộ kinh doanh trở thành công ty và kiểm soát báo cáo thuế minh bạch cần bằng với mức thuế so với doanh nghiệp có thương hiệu. Từ đó quy định tất cả quầy bán thịt đều phải niêm yết giá bán.

Việc lành mạnh hoá và minh bạch hoá thị trường thịt lợn, sẽ là nền tảng để hội nhập và xuất khẩu thịt lợn, hay ngược lại điều tiết tốt hơn bằng nhập khẩu khi mất cần bằng cung cầu trong nước.

Khi kéo giảm giá thịt lợn, mặt bằng các loại thịt cá và thực phẩm, các món ăn đường phố hay nhà hàng cũng có cơ hội giảm theo.

Giá dầu mỏ giảm, cơ hội để giảm chi phí sản xuất và sinh hoạt

Ngoài công thức tính giá xăng dầu, chính phủ còn bỏ ngỏ việc quản lý giá gas. Trong những phiên đầu tuần này giá dầu thế giới giảm 30% còn mức 33 USD/ thùng là một bước đột biến tích cực để giảm chỉ số giá tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2020. Chính phủ cần theo sát mức giảm giá xăng dầu trong thời gian sớm nhất đồng thời phải nhanh chóng xác lập công thức quản lý giá gas, vốn là một trong những yếu tố quan trọng trong giá tiêu dùng và tác động xã hội của nó.

Cần thống nhất quan điểm điều hành về "ý nghĩa xã hội" của chỉ số giá tiêu dùng giảm có tác động mạnh hơn là mức tăng GDP tương xứng.

Sự cân đối thiếu hụt nguồn thu ngân sách từ thượng nguồn so với lợi ích từ hạ nguồn, đối với xăng dầu và gas… trong bối cảnh Hoa Kỳ đã ngưng nhập khẩu dầu mỏ (nhờ dầu đá phiến) đối với Việt Nam đã nghiêng về lợi ích hạ nguồn. Ngành lọc hoá dầu và phân bón, hoá chất, hạt nhựa… sẽ có lợi nhuận cao hơn khi giá dầu mỏ nguyên liệu đầu vào giảm mạnh bù vào ngân sách nhà nước hiệu quả hơn cho mức thâm hụt do khai thác dầu thô với trữ lượng đang hạn chế. Điều này rất khác biệt so với cách đây 10 năm khi ngành dầu thô còn đóng tỷ trọng rất cao trong GDP.

Các chuỗi F&B đóng cửa hàng loạt – điều kiện bất khả kháng

Chính sách miễn giảm thuế, giãn thuế và điều khoản bất khả kháng trong kinh doanh. Tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19 cần được xem là một điều kiện bất khả kháng trong kinh doanh (force majrure clause). Theo đó chủ thể kinh doanh hiện đang chịu áp lực thanh toán vượt quá khả năng của họ, cụ thể là tiền thuê mặt bằng, lãi suất ngân hàng cùng với tiền thuế cho nhà nước.

Chính phủ cần nhanh chóng can thiệp và tạo thành tiền lệ, đối với các quy định của ngân hàng, cơ quan thuế và hợp đồng thuê mặt bằng theo hướng ‘chia sẻ rủi ro’ phát sinh ngoài khả năng của mỗi bên. Đây là một thông lệ kinh doanh phổ biến trên thế giới, và ngay cả phổ biến trong các hợp đồng mua bán xuất nhập khẩu đều đã được áp dụng xưa nay.

Doanh nghiệp cũng có thể thương lượng giảm giá thuê mặt bằng tạm thời trong điều kiện bất khả kháng. Dựa vào điều khoản bất khả kháng, chủ cho thuê mặt bằng cũng phải có trách nhiệm một phần, chia sẻ tổn thất chung với chủ nhà hàng.

Ngân hàng cũng có trách nhiệm khi doanh nghiệp rơi vào tình huống bất khả kháng. Dù là điều kiện ràng buộc phổ biến trong hầu hết các hợp đồng kinh tế. Nhưng khi rơi vào thực tế bất khả kháng (chiến tranh, thiên tai, dịch hoạ…) doanh nghiệp Việt Nam thường phải đi xin sự ban ơn từ phía ngân hàng, hay bị bắt chẹt từ phía chủ cho thuê mặt bằng, vì thiếu cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi và chia sẻ rủi ro chung trong tình huống bất khả kháng (tức force majeure).

Được biết điều kiện force majeure hiện nay chưa được áp dụng phổ biến cho tất cả các thành phần kinh tế và các địa phương, thậm chí một số trường hợp đang rơi vào cơ chế xin-cho.

Bảo hiểm sức khoẻ du lịch

Bảo hiểm sức khoẻ du lịch tại một số quốc gia hầu như là bắt buộc. Ngay tại Nepal bảo hiểm sức khoẻ và tai nạn được đưa vào các gói lữ hành trekking thường có mức rủi ro cao.

Ngay từ đầu mùa dịch Corona năm nay cũng có một doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đã đưa ra gói bảo hiểm dịch Corona. Tuy nhiên phía quản lý nhà nước hầu như chưa có động thái ủng hộ dẫn đến việc "miễn phí" cách ly và chăm sóc y tế cho bệnh nhân cả trong và ngoài nước đến Việt Nam. Khi so sánh với Singapore thì họ chỉ miễn phí khám và test, còn chi phí chữa bệnh phải do người bệnh tự chịu, tuy nhiên khi đó sẽ có bảo hiểm chi trả.

Thiết nghĩ cơ quan chức năng cần phối hợp đồng bộ giữa bảo hiểm, loại và mức bảo hiểm, thời hạn (số ngày) trong hợp đồng bảo hiểm làm cơ sở để cấp thời hạn Visa thực tế cho du khách vào Việt Nam. Điều này hầu như chưa được áp dụng tại Việt Nam cần dựa vào tham khảo Singapore và các nước, trong tình huống khủng hoảng bệnh dịch như hiện nay.

Tăng cường đầu tư công – đòn bẩy trong tầm tay

Nếu Chính phủ điều hành minh bạch, nhân sự minh bạch thì không sợ phải "chỉ định thầu". Việc kiểm soát các điều kiện ràng buộc là tối cần thiết khi chỉ định thầu nhằm thúc đẩy những công trình quan trọng, vừa đẩy nhanh tiến độ giải ngân và hoàn thành các công trình trọng điểm kích hoạt hàng hoá và dòng tiền xã hội lưu thông, với điều kiện phải có trách nhiệm tối đa trong quản lý từng đồng ngân sách.

Đặc biệt dư luận hết sức quan tâm tiến độ các công trình giao thông trọng điểm phía Nam như tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, sân bay Long Thành và sân bay Phan Thiết sớm được khởi công, sẽ là những cú hích kinh tế quan trọng.

Một công trình đặc biệt nữa cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đó là cảng nước sâu Trần Đề cần sớm hoàn tất quy hoạch và luận chứng đầu tư, sẽ giải quyết nút thắt hậu cần cảng nước sâu xuất khẩu lương thực và thuỷ sản cho cả vùng ĐBSCL.

Chiến lược nguồn nước cho vùng hạn mặn ĐBSCL

Trong bối cảnh hạn mặn nhất đối ở khu vực ĐBSCL hiện nay, việc thiết thực nhất cần làm là đầu tư khuyến khích mô hình các hệ thống lọc nước mặn cho từng nhóm hộ gia đình, với khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng. Các hệ thống lọc nước mặn quy mô nhỏ hiện đã chứng minh hiệu quả cung cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu (lên đến 0,5-1m3/giờ, chất lượng đạt 0,2 phần ngàn) với cụm lọc nước giá thành khoảng 50 triệu đồng, nếu nhân rộng sẽ đạt hiệu quả kinh tế to lớn cho hàng trăm nghìn hộ gia dình vùng hạ lưu, khi độ mặn đã vượt ngưỡng từ 1 - 5 phần ngàn.

Các nhà khoa học trong nước, các tập đoàn kinh tế cũng nên tích cực tham gia nghiên cứu đầu tư công nghệ sản xuất nước ngọt từ nước lợ do nhiễm mặm (5 phần nghìn độ mặn là phổ biến), cụ thể đó là lõi lọc RO (thẩm thấu ngược) hiện nay phải nhập hoàn toàn từ nước ngoài. Hoặc nhanh chóng chuyển giao công nghệ về sản xuất cấu kiện màn lọc RO trong nước. Với năng suất lọc nước cụm hộ gia đình lến đến 1000 lít nước sạch/ giờ tức 15-20m3 nước/ ngày, có thể giải quyết tưới tiêu cây ăn trái và sinh hoạt gia đình. Nhà nước và các ngân hàng nên đặt biệt chú trọng hỗ trợ các dự án này theo hướng sản xuất hàng loạt, có bảo hành và có chứng nhận chất lượng và thương hiệu.

Chiến lược nguồn nước là sự sống còn của quốc gia, nhất là khu vực ĐBSCL. Rất mong Chính phủ và lãnh đạo các tỉnh thành nhận thức rõ tầm quan trọng mang tính sống còn của khu vực, cuộc sống và sinh kế của gần 20 triệu đồng bào. Trong tình cảnh khó khăn này hơn bao giờ hãy cùng góp chung tiếng nói và hành động có tính chiến lược và thiết thực nhất để cùng chia sẻ khó khăn và hướng đến phát triển bền vững.

Chuyên gia kinh tế thương hiệu Võ Văn Quang

Theo The Leader

undefined