Chính sách

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7/2020

12:00 | 01/07/2020

Tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân lên 11 triệu đồng/tháng, người nước ngoài đã có thể chuyển đổi mục đích của thị thực, nới lỏng điều kiện xem xét viên chức nghỉ hưu...là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng 7/2020.

Tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân lên 11 triệu đồng/tháng

Ngày 2/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 954 điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân.

Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân được điều chỉnh như sau: Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (tương đương 132 triệu đồng/năm); Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Như vậy, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế tăng 2 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc tăng 0,8 triệu đồng/tháng so với quy định cũ.

Nghị quyết có hiệu lực từ 1/7/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.

Thêm nhiều trường hợp tạm hoãn nghĩa vụ dân quân tự vệ

Cũng tại kỳ họp thứ 8, ngày 22/11/2019, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Dân quân tự vệ . Luật này có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.

So với hiện nay, khi Luật này được áp dụng, sẽ có thêm nhiều trường hợp được tạm hoãn nghĩa vụ dân quân tự vệ. Có thể kể đến:

- Nam giới một mình nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi;

- Người có chồng hoặc vợ là công chức, viên chức, công nhân quốc phòng đang phục vụ trong quân đội, công an;

- Lao động chính duy nhất trong hộ cận nghèo...

Người nước ngoài đã có thể chuyển đổi mục đích của thị thực

Để phù hợp với tình hình thực tế, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam .

Điểm đáng chú ý của Luật này ở chỗ, nếu như trước đây, thị thực không được chuyển đổi mục đích thì khi Luật này có hiệu lực, tức từ 01/7/2020, người nước ngoài đã được cho phép chuyển đổi mục đích thị thực trong một số trường hợp cụ thể.

Khi đó, thị thực mới sẽ có ký hiệu, thời hạn phù hợp với mục đích được chuyển đổi.

Lương cơ sở vẫn giữ mức 1.490.000 đồng/tháng

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vừa bế mạc, Quốc hội đã quyết định chưa tăng lương cơ sở từ 1.7.2020.

Đồng thời, giao Chính phủ, căn cứ tình hình thực tế để chủ động báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở.

Như vậy, từ 1-7-2020, lương cơ sở giữ mức 1.490.000 đồng/tháng theo quy định tại Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP ngày 09/5/2019; với việc mức lương cơ sở giữ nguyên thì các khoản khác tính theo lương cơ sở cũng sẽ giữ nguyên.

Độ tuổi quân nhân dự bị trong thời bình cao nhất lên đến 45 tuổi

Luật Lực lượng dự bị động viên được Quốc hội khóa XIV thông qua vào ngày 26/11/2019 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, thay thế Pháp lệnh Lực lượng Dự bị động viên năm 1996.

Luật này quy định cụ thể về độ tuổi của quân nhân dự bị trong thời bình. Theo đó, độ tuổi quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên như sau:

- Đối với đơn vị chiến đấu: Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị không quá 40 tuổi; hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 35 tuổi;

- Đối với đơn vị bảo đảm chiến đấu: Nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 45 tuổi.

Nới lỏng điều kiện xem xét viên chức nghỉ hưu

Về việc xem xét nghỉ hưu của viên chức:

- Hiện hành, Luật viên chức 2010 quy định sẽ không giải quyết nghỉ hưu cho viên chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì từ 1-7-2020, Luật mới đã loại bỏ nội dung "không giải quyết nghỉ hưu" ra khỏi điều luật.

- Khi viên chức bị khiển trách hoặc cảnh cáo vẫn có thể được bổ nhiệm lại nhưng không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng. Trong khi, hiện nay đang quy định "không bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng.

Như vậy, khi đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, viên chức vẫn được xem xét giải quyết nghỉ hưu và trong thời hạn 12 tháng vẫn có thể được bổ nhiệm lại hoặc bố trí chức vụ thấp hơn.

Thêm giấy tờ có thể thay thế trong hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Nghị định 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP về bảo hiểm thất nghiệp sẽ có hiệu lực từ ngày 15/7 tới đây.

Nghị định này đã bổ sung thêm 03 loại giấy tờ có thể sử dụng trong hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Đó là:

- Xác nhận của người sử dụng lao động trong đó có thông tin của người lao động; loại hợp đồng lao động đã ký; lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

- Xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp, hợp tác xã giải thể, phá sản hoặc quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với các chức danh được bổ nhiệm trong trường hợp người lao động là người quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã;

- Văn bản xác nhận của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc người lao động không có giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động do đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật.

Hồng Vân

Theo Trí thức trẻ

undefined