Chính sách

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Những kịch bản nào khả thi cho tương lai của Myanmar?

12:00 | 22/03/2021

Gần 2 tháng sau cuộc chính biến, Myanmar vẫn đang chìm sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị chưa lối thoát, với con số người chết trong các cuộc biểu tình vẫn không ngừng tăng lên.

Những kịch bản nào khả thi cho tương lai của Myanmar?

Các cuộc biểu tình phản đối vẫn diễn ra hầu như hàng ngày, trên khắp các thành phố lớn của Myanmar, cùng với đó các tin tức về những người biểu tình thiệt mạng, bị bắt khi đối đầu với lực lượng an ninh.

Theo thống kê của một nhóm hoạt động, cho tới nay ít nhất 248 người biểu tình đã thiệt mạng do sự trấn áp của lực lượng an ninh. Trong khi đó, quân đội cho biết 2 cảnh sát cũng thiệt mạng trong khi đối phó với các cuộc biểu tình. Ngoài ra, hơn 2.000 người biểu tình cũng bị cảnh sát bắt giữ.

Kể từ cuộc chính biến ngày 1/2, giới chức quân đội Myanmar đã nỗ lực thay đổi bức tranh chính trị của nước này bằng việc gây sức ép đối với đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD) của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, bắt giữ các lãnh đạo của đảng này và thiết lập một chính quyền dân sự.

Tuy nhiên, cuộc chính biến chưa được xem là thành công, do quân đội thiếu khả năng kiểm soát các bộ máy nhà nước, dân số và nền kinh tế vốn đang lao dốc. Phong trào phản kháng đang lan khắp các bộ ngành chủ chốt của nước này.

Lấy ví dụ, các nhân viên tại Ngân hàng Trung ương Myanmar và các ngân hàng thương mại cũng tham gia biểu tình, và các giới hạn được đặt ra đối với việc rút tiền báo hiệu một cuộc khủng hoảng thanh khoản đang rình rập.

Ngoại thương của Myanmar bị đóng băng, với sản lượng xuất khẩu sụt giảm 90%. Nhiều chuyên gia đang biểu tình và 2/3 bệnh viện ở nước này hiện không hoạt động đầy đủ, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tràn lan. Ngay cả một số cảnh sát cũng tham gia các cuộc biểu tình, từ chối tuân thủ mệnh lệnh của quân đội.

Làn sóng biểu tình vẫn đang lan rộng khắp đất nước và chưa có dấu hiệu dừng lại, với sự tham gia của nhiều người trẻ. Một câu hỏi được đặt ra là, tình trạng lộn xộn, bạo lực như hiện nay sẽ đi về đâu?

Giới chuyên gia nhận định, một loạt các kịch bản có khả năng xảy ra, tùy vào các nhân tố tạo điều kiện.

Kịch bản thứ nhất là quân đội nắm quyền hoàn toàn. Nếu điều này xảy ra, quân đội có thể trì hoãn tổ chức một cuộc bầu cử mới trong vài năm với lý do để phục hồi sự ổn định.

Kịch bản thứ hai là Myanmar đi theo lộ trình mà Tướng Min Aung Hlaing đã vạch ra: Tổ chức bầu cử trong vòng 1 năm và tái thiết lập một quốc hội nửa dân cử.

Quân đội giờ đây nhiều khả năng đã nhận ra rằng hệ thống chính trị mà họ thiết kế theo hiến pháp không đảm bảo chiến thắng chính trị của họ. Đảng Liên minh đoàn kết và phát triển (USDP) được quân đội hậu thuẫn đã không thể có đủ ghế để "vượt mặt" NLD, ngay cả với lợi thế 1/4 số ghế Quốc hội được giao cho quân đội.

Chính quyền quân sự có thể cố gắng thiết kế lại hệ thống bầu cử dựa trên việc đại diện theo tỷ lệ, coi đây là cơ hội để các đảng phái chính trị và sắc tộc khác giành được nhiều ghế hơn trong cuộc bầu cử mới. Một cuộc bầu cử cũng có thể diễn ra sau đó để NLD bị loại khỏi bản đồ bầu cử.

Kịch bản thứ ba là, cuộc chính biến không thành công hay thất bại rõ ràng, gây ra một cuộc khủng hoảng kéo dài.

Một cuộc khủng hoảng kéo dài cũng có thể xảy ra nếu có sự tái tổ chức quyền lực lớn trong quân đội dẫn đến các cuộc cạnh tranh quyền lực không lường trước được.

Những bế tắc tiềm tàng do các nhóm quân sự và dân sự không công nhận lẫn nhau để đàm phán cũng có thể dẫn tới các tình huống bế tắc kéo dài.

Kịch bản thứ 4, cuộc chính biến có thể thất bại và Myanmar trở lại hình thức chính phủ theo hiến pháp năm 2008, trong đó các thành viên của đảng NLD được phóng thích và kết quả cuộc bầu cử 2020 được tôn trọng, như kêu gọi của Liên hợp quốc và phần lớn cộng đồng quốc tế.

Viễn cảnh này có thể thành hiện thực nếu vị thế lãnh đạo của Tướng Min Aung Hlaing sụt giảm. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng viễn cảnh này khó xảy ra với ông với tư cách là chỉ huy các lực lượng vũ trang.

Viễn cảnh cuối cùng là cuộc chính biến thất bại và chính phủ dân sự lãnh đạo một sự chuyển tiếp mới. Nhiều người biểu tình và các nhóm đang kêu gọi một sự dàn xếp chính trị mới thông qua việc loại quân đội khỏi đời sống chính trị và hiến pháp 2008 do quân đội soạn thảo.

Thay vì ủng hộ mạnh mẽ NLD hay bà Aung San Suu Kyi, nhiều người tại Myanmar đang tuần hành vì một chủ nghĩa liên bang dân chủ - một hệ thống mà các nhóm thiểu số đã đấu tranh kể từ năm 1947.

Nếu kịch này xảy ra, một cuộc chống chính biên ngay trong quân đội có thể cần thiết để có một ban lãnh đạo mới sẵn sàng làm việc dưới quyền của chính phủ dân sự.

Tuy nhiên, quyết định cuối cùng nằm ở chính người dân Myanmar. Họ phải lựa chọn số phận và hệ thống chính phủ một cách hợp pháp. Một chính phủ không hợp pháp kéo dài sẽ chỉ làm gia tăng khó khăn và bất ổn cho người dân.

An Bình Theo Dân trí

undefined