Nghiên cứu

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

LỢI THẾ VÀ KHÓ KHĂN CỦA ĐÀ NẴNG TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

12:00 | 30/12/2016

Đà Nẵng là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục khoa học và công nghệ lớn nhất của khu vực miền Trung – Tây Nguyên và là thành phố lớn thứ 4 của Việt Nam. Đà Nẵng hiện là một trong 3 đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương của Việt Nam (cùng với Hải Phòng và Cần Thơ). Trong những năm gần đây (2001-2015), thành phố đã đạt được nhiều thành tựu rất cơ bản, to lớn và có ý nghĩa nhiều mặt trong phát triển kinh tế, xã hội.

Kinh tế tăng trưởng liên tục, cơ sở hạ tầng tương đối đầy đủ và hoàn chỉnh, môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng và có sức cạnh tranh cao trong khu vực, thành phố đã và đang thúc đẩy sự phát triển văn hóa, văn minh đô thị theo hướng an toàn, thân thiện và đáng sống. Kết quả đó là nhờ sự đồng thuận nỗ lực phấn đấu của nhân dân thành phố Đà Nẵng và chính quyền Đà Nẵng. Có thể khẳng định Chính quyền Đà Nẵng đã lựa chọn và chỉ đạo đúng hướng có hiệu quả, mang tính đột phá trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, xã hội. Đồng thời Đà Nẵng cũng đã phát huy tốt những lợi thế của Thành phố và hạn chế những bất lợi, đây là nguyên nhân quan trọng đưa đến sự phát triển ấn tượng của Đà Nẵng hiện nay.

Trước hết chúng ta phân tích những lợi thế của Thành phố Đà Nẵng:

1. Thuận lợi

- Về vị trí địa lý

Đà Nẵng có một vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi cho sự phát triển kinh tế nhanh chóng và bền vững. Đà Nẵng nằm ở trung độ của đất nước, trên quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam. Đà Nẵng nối với Tây Nguyên qua quốc lộ 14B và là cửa ngõ ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Mianma đến các nước và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á thông qua hành lang kinh tế Đông – Tây. Bên cạnh đó Đà Nẵng còn có các tuyến giao thông quan trọng như đường sắt liên vận quốc tế Trung Quốc – ASEAN đi qua, cảng biển và sân bay quốc tế. Đà Nẵng còn là trung tâm của sáu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới là: Cố đô Huế, phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Phong Nha – Kẻ Bàng, Nhã nhạc Cung đình Huế và Văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên.

Đà Nẵng chỉ cách các trung tâm kinh tế phát triển của các nước Đông Nam Á, khu vực Thái Bình Dương trong phạm vi bán kính khoảng 2.000 km, vì thế rất thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế - văn hóa.

- Về Tài nguyên đất

Diện tích đất hoàn toàn thành phố Đà Nẵng là 1283 km2 gồm các loại đất sau: cồn cát, đất ven biển, đất mặn, đất phèn, đất phù sa, đất xám bạc màu, đất đen, đất đỏ vàng, đất mùn đỏ vàng, đất thung lũng và đất xói mòn trơ sỏi đá. Quan trọng nhất là đất phù sa, đất này thích hợp với việc trồng cây công nghiệp dài ngày, cây đặc sản, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc và bố chí các kết cấu hạ tầng kỹ thuật.

-  Về tài nguyên biển và ven biển

Đà Nẵng có bờ biển dài khoảng 70 km, có vịnh nước sâu các của biển Liên Chiểu, Tiên Sa, có vùng lãnh hải thềm lục địa với độ sâu 200m, tạo thành vành đai nước nông rộng lớn thích hợp cho phát triển kinh tế biển tổng hợp và giao lưu với nước ngoài. Bờ biển có nhiều bãi tắm đẹp như Non Nước, Mỹ Khê, Thanh Khê, Nam Ô với nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, có giá trị lớn cho phát triển du lịch và nghĩ dưỡng.

Khả năng phát triển kinh tế thủy sản của thành phố là khá lớn. Vùng biển Đà Nẵng có trữ lượng hải sản lớn, khả năng khai thác hàng năm khoảng 60-70 ngàn tấn. Sản lượng khai thác trung bình hàng năm đặt trên 40 ngàn tấn, chủ yếu là cá nổi ven bờ… Thành phố còn có hơn 670 ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản, tạo điều kiện tốt để xây dựng vùng nuôi các nước ngọt tại các xã Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Liên, Hòa Sơn thuộc huyện Hòa Vang [1, tr.9].

- Tài nguyên du lịch và di sản văn hóa

Đà Nẵng là một trong những trung tâm du lịch của cả nước, có tiềm năng du lịch phong phú gồm các tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn. Đà Nẵng có nhiều danh lam thắm cảnh nổi tiếng như đèo Hải Vân, Nam Ô, Xuân Thiều, bán đảo Sơn Trà, Bà Nà, Núi Chúa, Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Chăm; bãi tắm Mỹ Khê và Non Nước đã được tạp chí Forbes bình chọn là một trong sáu bãi biển đẹp và hấp dẫn nhất hành tinh…các điều kiện trên rất thuận lợi cho phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: du lịch nghỉ mát, tham gia, nghiên cứu, văn hóa.

- Về cơ sở hạ tầng

- Đà Nẵng có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, có đủ bốn loại đường giao thông thông dụng: đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Hệ thống đường bộ chính của Đà Nẵng đã nhựa hóa và bê tông hóa 100%. Ga đường sắt của Đà Nẵng là một trong những ga lớn của Việt Nam. Từ đây có các tuyến đường biển đi đến hầu hết các cảng lớn của Việt Nam và trên thế giới. Ngoài ra hệ thống cấp nước, cấp điện và thông tin liên lạc của Đà Nẵng phát triển mạnh và ngày càng được hiện đại hóa, được đánh giá xếp thứ 3 trong cả nước sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cũng là nơi ghé bờ của trạm cáp biển quốc tế tại Việt Nam.

- Cảng Đà Nẵng là cảng thương mại lớn thứ ba ở Việt Nam (sau Cảng Sài Gòn và cảng Hải Phòng). Với độ sâu cầu cảng 11 m, hệ thống kho bãi và trang thiết bị đồng bộ vừa được nâng cấp bằng nguồn vốn của Chính phủ Nhật Bản, cảng Đà Nẵng có thể tiếp nhận các loại tàu hàng có trọng tải 45.000 DWT và các tàu chuyên dùng khác, như tàu container, tàu khách, tàu hàng siêu trường, siêu trọng, năng lực bốc dỡ hàng hoá 4 triệu tấn/năm. Từ cảng Đà Nẵng, hiện có các tuyến tàu biển quốc tế đi Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc. [2, tr.70].

- Sân bay quốc tế Đà Nẵng là một trong 3 sân bay tốt nhất của Việt Nam. Ngoài các chuyến bay nội địa, hàng tuần còn có các chuyến bay trực tiếp từ Đà Nẵng đi Singapore, Bangkok, Đài Bắc. Trong tương lai không xa, sẽ mở thêm các tuyến bay đi Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc. Sân bay quốc tế Đà Nẵng đang được nâng cấp, mở rộng, nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển khách và hàng hóa ngày càng tăng.

- Hệ thống đường giao thông trong và ngoài Thành phố không ngừng được mở rộng và xây mới. Nhiều công trình lớn đã được đưa vào sử dụng hoặc đang trong giai đoạn hoàn thiện như đường Nguyễn Tất Thành, đường Điện Biên Phủ, đường Ngô Quyền, đường Bạch Đằng, đường Sơn Trà – Điện Ngọc, hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, cầu Sông Hàn, cầu Tuyên Sơn, cầu Thuận Phước… không chỉ tạo điều kiện thuận lợi về giao thông và phát triển du lịch, mà còn tạo cảnh quan, làm thay đổi cơ bản diện mạo của một đô thị thuộc loại sầm uất nhất miền Trung.

Với cơ sở hạ tầng như vậy cho phép Đà Nẵng phát triển nhanh kinh tế thị trường.

-  Về các khu công nghiệp

Với 5 khu công nghiệp đã hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, Đà Nẵng còn có những chính sách ưu đãi thỏa mãn mọi yêu cầu khắt khe nhất của Nhà đầu tư. So với các tỉnh thành lân cận, các khu công nghiệp của Đà Nẵng được đánh giá rất cao về vị trí thuận tiện, thủ tục đơn giản, nhanh gọn, giá đất và giá cả các loại dịch vụ khá cạnh tranh.

- Về thị trường

Là thành phố  của 922,6 ngàn dân với mức sống khá cao Đà Nẵng là một thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng cho các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ. Cộng với giao thông thuận lợi, hàng hóa Đà Nẵng đến dễ dàng với khu vực Miền Trung và Tây Nguyên, một thị trường trẻ hấp dẫn các nhà đầu tư.

- Về nguồn nhân lực

Đà Nẵng có nguồn nhân lực dồi dào chất lượng cao với rất nhiều trường đại học, cao đẳng:  Đà Nẵng hiện là trung tâm giáo dục và đào tạo lớn nhất của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và thứ 3 cả nước (sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh). Hiện nay trên địa bàn thành phố có 15 trường đại học, học viện; 18 trường cao đẳng; nhiều trường trung học chuyên nghiệp cùng một hệ thống trường dạy nghề cũng như các cơ sở đào tạo ngoại ngữ, tin học. Người lao động Đà Nẵng cần cù trong lao động, chịu thương, chịu khó, ham học hỏi và rất tiết kiệm. Đây là những đức tính rất tốt, là một trong những điều kiện quan trọng giúp cho Đà Nẵng có thể bức phá để phát triển thành phố một cách mạnh mẽ trong tương lai.

- Về cơ chế, chính sách

Lợi thế trước hết về cơ chế chính sách đó là Đà Nẵng cũng có được sự ủng hộ và hỗ trợ rất lớn về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế xã hội của Trung Ương dành cho Đà Nẵng: Kể từ khi Đà Nẵng được công nhận là đô thị loại I cấp quốc gia vào năm 2003, Trung Ương đã thực hiện rất nhiều chỉ đạo, định hướng điều tiết, ban hành cơ chế điều tiết đặc thù thông qua các nghị quyết, quyết định như: Nghị quyết số 33- NQ/TW, kết luận số 75/ KL-TW…

Trên cơ sở sự hỗ trợ từ Trung Ương với sự năng động, sáng tạo của mình, Chính quyền Đà Nẵng cũng đã xây dựng được những chính sách, cơ chế hợp lý tạo điều kiện phát triển kinh tế như: cơ chế một cửa, Đà Nẵng được đánh giá là địa phương có chính sách thu hút đầu tư rất thông thoáng. Ví dụ về cơ chế đầu tư một cửa ở Đà Nẵng: Các thủ tục liên quan đến thủ tục đầu tư, địa điểm đầu tư, quy hoạch giải phóng và bàn giao mặt bằng... được thực hiện theo cơ chế đầu tư một cửa tại Trung tâm Xúc tiến đàu tư Đà Nẵng. Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư được thực hiện theo cơ chế một cửa tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Nhà đầu tư được miễn mọi chi phí có liên quan đến công tác giải quyết các thủ tục đầu tư ngoài việc nộp lệ phí đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật

- Truyền thống đoàn kết, đồng thuận của người dân và sự năng động, sáng tạo của các cấp lãnh đạo

Lợi thế này đã khơi dậy,huy động sức mạnh, nguồn lực quan trọng và quyết định nhất đối với sự phát triển của Đà Nẵng. Sự quyết tâm cao của lãnh đạo, chính quyền thành phố trong xây dựng chương trình, đề án cùng sự ủng hộ của nhân dân, các nhà đầu tư, doanh nghiệp… trong triển khai, thực thi các chủ trương, chính sách đặc biệt là trong quá trình đền bù, giải tỏa, giải phóng mặt bằng đã và đang tạo ra nền tẳng mạnh mẽ kích thích Đà Nẵng phát triển nhanh chóng.

Qua phân tích trên đây ta thấy Đà Nẵng có đầy đủ điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế thị trường.

Mặc dù cơ rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế nhưng khó khăn với Đà Nẵng cũng rất lớn.

2. Khó khăn

Đà Nẵng có nhiều lĩnh vực phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế. Công nghiệp phát triển chưa bền vững, chưa có ngành mũi nhọn và chủ lực, chưa có nhiều thương hiệu nội địa và xuất khẩu có uy tín, chưa có công nghệ cao thu hút lao động tri thức của thành phố. Mặc dù có nhiều chế độ ưu đãi nhưng tiền lương so với các thành phố lớn ở hai đầu đất nước còn thấp. Ngành đóng tàu là một trong những kinh tế biển được ưu tiên phát triển nhưng cũng gặp sóng gió VINASHIN chưa phục hồi tạo nên bộ mặt mới cho kinh tế biển thành phố.

Dịch vụ du lịch ưu đãi đầu tư trong nhiều năm gần đây nhưng hiệu quả chưa cao, phần lớn đang trong giai đoạn đầu tư, chưa phát huy hết hiệu quả năng lực nội tại.

Đà Nẵng có thương hiệu lớn về đào tạo kỹ thuật công nghệ và kinh tế tại miền Trung; song chưa có viện nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ chuyên ngành lớn thúc đẩy kinh tế phát triển.

- Người lao động chuyển đổi ngành nghề, không qua đào tạo khó kiếm được việc làm và làm ra sản phẩm chất lượng chưa cao.

- Sự phát triển kinh tế thành phố còn nặng nề về chiều rộng, chưa thật đi vào chiều sâu, chưa thật sự có những sản phẩm chủ lực chứa đựng hàm lượng chất xám cao, có giá trị gia tăng lớn, có sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường, nhất là một số sản phẩm công nghiệp và các loại dịch vụ cao cấp.

- Các nguồn nhân lực của thành phố, đặc biệt là nguồn lực khoa học – công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đủ mạnh để có thể tạo ra sự đột phát trong sự phát triển đặc biệt là phát triển kinh tế

-  Một số quy hoạch và một số dự án đầu tư chưa được cân nhắc, tính toán một cách đầy đủ, khoa học, nên khi xây dựng xong hiệu quả hoạt động còn thấp, thậm chỉ phải hủy bỏ, điển hình là công viên nước, đầu tư tới 65 tỷ đồng, nhưng chỉ hoạt động được vài năm rồi phải dừng.

- Du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng và thực tế cũng đã có những đóng góp to lớn vào sự tăng trưởng kinh tế của Thành phố. Tuy nhiên, cần có sự tính toán cẩn trọng, khoa học và có chiến lược lâu dài đối với phát triển ngành kinh tế này, nếu không nhiều cảnh quan môi trường của Thành phố sẽ bị ảnh hưởng bất lợi, đặc biệt là vùng bán đảo Sơn Trà, vùng núi Ngũ Hành Sơn, Vùng núi Bà Nà, vùng đèo Hải vân, bãi biển Mỹ Khê. Thêm vào đó là tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch nói riêng, dịch vụ nói chung còn chưa cao.

- Việc tăng nhanh quy mô dân số của Thành phố, đặc biệt là khu vực nội đô, việc đẩy mạnh phát triển của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và việc phát triển mạnh mẽ các hoạt động dịch vụ, nhất là việc phát triển hệ thống nhà hàng, khách sạn, các khu vui chơi, nghỉ dưỡng, việc gia tăng các phương tiện giao thông …Cộng với sự phát triển bất thưởng của thời tiết, khí hậu đã đặt Thành phố trước những các thách thức lớn về sự suy giảm của môi trường

Mặt khác, cũng do tác phong, lối sống công nghiệp của mọi người chưa được hình thành một cách đầy đủ, chưa ăn sâu vào tiềm thức và trở thành hành động tự giác của người dân dẫn đến làm ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế thị trường của Thành phố.

- Bảy là việc xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là ở một số khu công nghiệp vẫn chưa được quan tâm một cách thỏa đáng dẫn tới tình trạng ô nhiễm vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống cũng như nguồn lợi thủy sản của thành phố.

Hiện nay để Đà Nẵng ngày càng phát triển hơn Đà Nẵng cần phát huy tốt những lợi thế và khắc phục những khó khăn. Trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá về những lợi thế và khó khăn thì tôi đề xuất một số biện pháp để có thể giúp Đà Nẵng phát triển từ 2015 -2020:

-         Phát triển nhanh và bền vững các ngành dịch vụ

-         Tập trung phát triển mạnh mẽ các ngành công nghệ cao, công nghệ thông tin, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh

-         Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội

-         Phát triển nguồn nhân lực, thị trường lao động

-         Ưu tiên phát triển doanh nghiệp dân doanh, chú trọng hình thành một số doanh nghiệp đầu đàn có quy mô lớn, có sản phẩm chủ lực, tạo động lực nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế thành phố.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. UBND Thành phố Đà Nẵng (2010), Báo cáo tình hình kinh tế xã hội của UBND Thành phố Đà Nẵng năm 2010.
  2. Nguyễn Bá Thanh (2010), Thành tựu phát triển kinh tế Đà Nẵng qua 35 năm. Nxb Đà Nẵng, 2010
  3. Viện nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Đà Nẵng (2008), Báo cáo tổng kết mười năm lãnh đạo phát triển Đà Nẵng – Những bài học kinh nghiệm, Nxb Đà Nẵng.

 

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011)Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  3. Báo cáo kinh tế xã hội thành phố Đà Nẵng từ 2010 -2014

 

 

Trần Thị Kim Thanh/Trường Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng

 

undefined