Nghiên cứu

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Tìm hiểu thêm về văn hóa của người Việt cổ ở Phia Vài – Nà Hang

12:00 | 25/07/2018

Nà Hang là một vùng đất cổ, có lịch sử lâu đời của tỉnh Tuyên Quang. Các cứ liệu về khảo cổ học đã chứng minh, đây là vùng đất sinh tồn và phát triển con người từ rất sớm. Văn hóa thời kỳ sơ đá mới với đặc trưng là văn hóa Hòa Bình đã để lại dấu ấn đậm nét ở vùng sơn khối đá vôi Nà hang. Những dấu tích của cư dân tiền sử giai đoạn hậu kỳ đá mới – sơ kỳ kim khí được phát hiện ngày càng nhiều với nhiều loại hình phong phú cả trong hang động lẫn thềm sông. Những dấu ấn Đông Sơn ở Nà Hang góp phần tôn vinh giá trị văn hóa lịch sử của văn hóa Đông Sơn.

Phia Vài nằm trong vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, thuộc vòng cung sông Gâm, được hình thành vào thế Crêta muộn cách ngày nay khoảng 200 triệu năm , xen kẽ là những thung lũng vừa và nhỏ. Đây là môi trường sinh thái đa tạp, phong phú, khí hậu khá ổn định, nhiều khu rừng rậm thích hợp cho việc săn bắt hái lượm.

Hang Phia Vài được tạo trong sơn khối đá vôi nguồn gốc trầm tích phân phiến thành từng lớp, xen kẽ với các mạch đá cát kết, sét kết hay các khoáng vật khác. Hang vốn có hai mặt bằng: mức trên phân bố chủ yếu ở giữa hang, phía trong bị sập do những tảng đá lớn từ trần hang rơi xuống, hiện tại chỉ còn một phần nhỏ là các hốc đá ăn sâu vào trong vách núi và những khối, mảnh vỡ trầm tích chứa công cụ đá.

Cấu tạo tầng văn hóa của di chỉ hang Phia Vài tiêu biểu nhất phân bố ở khu Bắc, dày trung bình khoảng 50cm, gồm hai lớp. Hai lớp phân bố hơi bất chỉnh hợp, không hoàn toàn trùng khớp mà hơi so le nhau, lớp dưới dày ở phía trong mỏng dần ra phía ngoài, lớp trên dày phía ngoài mỏng dần vào phía trong.

Tầng văn hóa ở khu Nam mỏng hơn chỉ tương ứng với lớp địa tầng mức trên của khu Bắc.

Phần sót lại của tầng văn hóa ở phía trong mức trên tương đương với khu Nam. Những công cụ đá nằm trong khối trầm tích bị nhũ vôi kết vón ở mức trên có tuổi tương đương với khu Nam và lớp địa tầng trên của khu Bắc vì những khối nhũ tạo thành chỉ có tuổi vào đầu Holocene.

Tại di chỉ Phia Vài đã phát hiện được di tích tích động vật ở khá phong phú và có nhiều giá trị nghiên cứu. Di cốt động vật gồm hai tập hợp: di cốt bán hóa thạch và chưa hóa thạch. Những di cốt động vật chủ yếu thuộc tập hợp bán hóa thạch của lớp địa tầng kết vón, tập hợp chưa hóa thạch của lớp trên có số lượng không nhiều, chủ yếu là ốc núi và cua đá.

Điểm đáng chú ý ở đây là trong tập hợp di cốt bán hóa thạch có răng của người khôn ngoan (Homosapiens) đã tìm thấy ở Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc. Những di cốt này có độ hóa thạch thấp nằm trong lớp trầm tích có độ kết vón chưa thực sự rắn chắc cùng với các di tích động thực vật khác như ốc núi, cua đá, hạt trám có giai đoạn khoảng sau 20.000 đến 11.000 năm cách ngày nay. Những di cốt động vật bán hóa thạch ở hang Phia Vài bổ sung thêm những tư liệu quý để nghiên cứu về cổ môi trường và con người trong giai đoạn chuyển từ Cánh tân sang Toàn tân ở nước ta.

Số lượng di chỉ di vật hang Phia Vài khá nhiều chủ yếu là di vật đá, nổi bật là công cụ đá ghè đẽo, chủ yếu được làm từ đá cuội sông suối chất liệu cơ bản là basalt, một phần là rhyolith, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là chopper rìa lưỡi ngang, chopper rìa lưỡi dọc, chopper rìa lưỡi xiên, công cụ hình móng ngựa ... Nói chung, những loại hình công cụ kiểu chopper ở Phia Vài được chế tác khá đơn giản, kỹ thuật mang phong cách truyền thống của hậu kỳ đá cũ. Trong số các di vật ở Phia vài, những vật dùng vào trang trí hay nghi lễ như Thổ hoàng khá phổ biến. Ngoài ra còn có một số viên cuội phiến sét đục lỗ đeo làm trang sức hoặc nhu cầu tín ngưỡng. Đá có gia công, phế vật và mảnh tước ở Phia Vài có số lượng đáng kể minh chứng cho quá trình chế tác công cụ tại chỗ, nơi cư trú đồng thời là nơi chế tạo công cụ lao động. Mảnh tước ở Phia Vài không nhiều so với với tỷ lệ công cụ, kích thước mảnh tước thường hơi lớn và vừa, hiếm mảnh tước nhỏ. Điều này góp phần khẳng định kỹ thuật ghè đẽo công cụ ở Phia Vài khá đơn giản, việc tu chỉnh hình dáng và rìa lưỡi cũng ít được chú ý.

Phia Vài là di chỉ xưởng – mộ táng. Vết tích cư trú thể hiện rất rõ qua tầng văn hóa chứa công cụ lao động, than tro, bếp. Bước đầu xác định đây là nơi cư trú khá liên tục của cư dân thời tiền sử trải qua vài ngàn năm, nhưng số lượng dân cư không lớn lắm. Vết tích mộ táng được thể hiện bằng sự tồn tại của ngôi mộ chứa di cốt bán hóa thạch người cổ Homosapiens. Người xưa đã chôn người chết ngay nơi cư trú với nghi thức mai táng nguyên thủy và cổ sơ. Trong số hai di tích mộ táng ở Phia Vài, mộ M1 có cấu trúc huyệt mộ hình tròn được đào từ lớp mặt đến tận sinh thổ. Đây là mộ táng của cư dân thời đại kim khí vì hiện vật chôn theo là công cụ đá mài nhẵn, đồ gốm gần gũi với văn hóa Đông Sơn và tiền Đông Sơn ở nước ta. Do kích thước huyệt mộ khá hẹp, di cốt nằm lộn xộn chứng tỏ đây là mộ cải táng. Mộ M2 là mộ táng của cư dân thời đại đá vì phần di cốt từ hông xuống đến chân bị một cột nhũ vôi từ trần rủ xuống lấp đè lên. Đây là mộ hung táng đặt gối lên tảng đá, một bên sườn được chèn một tảng đá, bên kia có một số tảng đá nhỏ hơn xếp gần bên sườn và hông, có một công cụ đá đặt gần chân, có lẽ là di vật chôn theo. Điều đặc biệt có giá trị khoa học cao là trong khi xử lý hốc mắt, nhà cổ nhân học Nguyễn Lân Cường đã phát hiện hai con ốc nằm trong hốc mắt của bộ xương người đàn bà. Đây là loại ốc biển có tên khoa học là Cyprea arabica mà tên Việt Nam gọi là ốc loa hay ốc lợn. Rải rác trong mộ M2 còn tìm được vài con ốc giống hệt hai con ốc nằm trong hốc mắt. Người xưa thường dùng loại ốc này làm đồ trang sức, đôi khi là vật trao đổi hàng hóa, nên gọi là ốc tiền. Trong lúc khâm liệm, người ta đã đặt lên mỗi mắt một con ốc, để khi phần da thịt tiêu đi, con ốc sẽ tụt xuống hốc mắt như thay cho đôi mắt. Trong lịch sử nghiên cứu các cốt sọ tiền sử ở Việt Nam và Đông Nam Á chưa hề thấy cách khâm liệm đặt ốc vào hốc mắt. Di cốt mộ M2 góp thêm tư liệu quý để nghiên cứu về thành phần nhân chủng và táng thức của cư dân văn hóa Hòa Bình.

Cư dân Phia Vài có mối giao lưu rộng với các nhóm dân cư cổ khác trong khu vực, nhưng vẫn bảo lưu nét riêng biệt, sắc thái vùng. Phia Vài là một di chỉ thuộc hệ thống văn hóa Hòa Bình. Cư dân tiền sử Phia Vài có chung phương thức cư trú, kiếm sống, cách thức chôn cất người chết cũng như các hành vi chế tác công cụ giống như bao cư dân Hòa Bình khác ở vùng Hòa Bình, Thanh Hóa, Sơn La ... Trong bối cảnh khu vực, đồ đá ở Phia Vài có nhiều điểm tương đồng với các di chỉ hang động Hòa Bình ở khu vực huyện Bắc Mê ( Hà Giang). Mặt khác, sự có mặt của vỏ ốc biển Cyprea arabica trong cách thức khâm liệm của người Phia Vài cho thấy có mối giao lưu trao đổi giữa cư dân ở đây với cư dân vùng biển. Đây là nét mới, rất thú vị khi nghiên cứu mối quan hệ của cư dân cổ ở Phia Vài trong bối cảnh rộng hơn.

 

TS. Lý Thị Thu- Đại học Tân Trào

Th.S Hoàng Thị Thu Dung - Đại học Tân Trào

undefined