Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Bảo đảm mục tiêu kép trong quản lý tài nguyên thiên nhiên

12:00 | 28/10/2020

Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” vừa được khởi động, nhằm bảo đảm mục tiêu kép trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, và phát triển sinh kế cho người dân.

Cù lao Chàm là 1 trong 3 khu dự trữ sinh quyển được Dự án triển khai. Ảnh internet


Dự án do Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp thực hiện.

Dự án được triển khai trong thời gian 5 năm (2020-2025) tại Hà Nội và 3 Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Cù lao Chàm – Hội An và Tây Nghệ An, nhằm thúc đẩy hoạt động quản lý tài nguyên thiên nhiên tích hợp các mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học trong quy hoạch của tỉnh và quản lý các khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: Trong 20 năm qua, Việt Nam đã có 9 khu dự trữ sinh quyển được công nhận. Đây là những khu vực có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao, có nhiều tiềm năng trở thành các mô hình phát triển bền vững.  Nhiều sáng kiến nhằm quản lý hiệu quả khu dự trữ sinh quyển đã được triển khai thành công như mô hình bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, mô hình cải thiện sinh kế, mô hình phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại các khu dự trữ sinh quyển, góp phần giảm sức ép lên nguồn tài nguyên thiên nhiên và đẩy mạnh công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

“Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu quản lý bền vững, các khu dự trữ sinh quyển cần giải quyết nhiều tồn tại. Trong đó bao gồm, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý khu dự trữ sinh quyển; triển khai các cách tiếp cận mới về quản lý tổng hợp tài nguyên thiên nhiên trong quản lý khu dự trữ sinh quyển; các điều kiện về nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững khu dự trữ sinh quyển…”,  ông Nguyễn Văn Tài cho hay.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhận định, hầu hết các khu bảo tồn, dự trữ sinh quyển nằm ở các khu vực có tỷ lệ nghèo đói cao. Do vậy, việc đạt được mục tiêu vừa bảo tồn vừa phát triển kinh tế gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, các rào cản khác như việc tổ chức và điều phối sự tham gia của các bên liên quan tại các khu dự trữ sinh quyển còn chưa hiệu quả; năng lực về lập kế hoạch, quy hoạch trên cơ sở tiếp cận cảnh quan còn hạn chế.

“Dự án mới này sẽ góp phần hoàn thiện hơn về tính pháp lý đối với các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam; hỗ trợ triển khai cách tiếp cận quản lý tổng hợp tài nguyên, phục hồi và quản lý rừng bền vững; hỗ trợ các mô hình sinh kế cộng đồng nhằm giảm sức ép lên tài nguyên thiên nhiên tại 03 khu dự trữ sinh quyển và nâng cao nhận thức của các bên liên quan để đẩy mạnh sự tham gia trong công tác quản lý khu dự trữ sinh quyển", bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.

Dự án được khởi động trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang có kế hoạch sửa đổi một số Luật và chính sách lớn liên quan như Luật Đa dạng sinh học; Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học giai đoạn sau năm 2020 và việc thực hiện Luật Quy hoạch mới ở cấp tỉnh. Điều này mang lại những tiềm năng cho việc lồng ghép, hợp pháp hóa và thể chế hóa nhằm giải quyết những thách thức phát triển khu dự trữ sinh quyển trong thời gian tới.

Theo VGP

undefined