Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Đài Loan: Khi hàng ngàn cử nhân "chê" việc văn phòng, đổ xô đi... giao đồ ăn

12:00 | 20/11/2019

Thu nhập của tài xế giao thức ăn có cao hơn của nhân viên văn phòng? Tại Đài Loan, câu trả lời là "Có"; và sự quyến rũ của những đồng "tiền tươi" kiếm được nhanh chóng đã khiến hàng loạt cử nhân đổ xô đi làm công việc này, theo Nikkei Asian Review.

Bên ngoài cổng trường nữ sinh Đệ nhất Đài Bắc, hàng tá chiếc xe gắn máy chờ giao thức ăn vào giờ ăn trưa là một cảnh tượng không mấy xa lạ. Các nữ sinh thuộc ngôi trường cấp ba này thường đặt thức ăn qua smartphone; và chỉ sau ít phút, bữa trưa nóng sốt đã được chuyển đến trong những chiếc hộp màu hồng đặc trưng của Foodpanda - một công ty con của Delivery Hero.

Với các nữ sinh, việc lựa chọn đặt thức ăn qua mạng có thể xuất phát từ sự tiện lợi và nhanh chóng; song với những bác tài như Wu Zhikai, sức hấp dẫn từ thu nhập "khủng" mới là thứ khiến chàng thanh niên 26 tuổi này khó có thể chối từ.

"Sự tự do của việc không phải ràng buộc với bất kỳ một tổ chức nào, và thu nhập khủng trên thực tế đã khiến nó (nghề tài xế giao thức ăn) trở thành một công việc hấp dẫn", Wu nói.

Bắt đầu làm tài xế giao thức ăn từ một năm trước, Wu cho biết bản thân hầu như làm việc không nghỉ ngày nào trong tháng 9 vừa qua, vận chuyển khoảng 50 đơn hàng với thời gian trung bình 10 tiếng/ngày. Tháng đó, Wu kiếm được 70.000 Đài tệ (TWD), tức khoảng 2.300 USD, cao hơn nhiều so với mức trung bình 40.000 TWD của một nhân viên văn phòng toàn thời gian.

Dẫu vậy, con số trên vẫn chưa là gì so với mức thu nhập lên tới 100.000 TWD/tháng mà Foodpanda quảng cáo. Gia nhập thị trường Đài Loan từ năm 2012, công ty giao đồ ăn trực tuyến này đã có bước tăng trưởng nhanh chóng trong năm nay, một phần nhờ vào việc thu hút được đông đảo tài xế hơn.

Đối thủ cạnh tranh chủ yếu của Foodpanda là Uber Eats - dịch vụ giao thức ăn từ Uber. Tổng cộng, có khoảng 60.000 tài xế đang làm việc cho cả hai dịch vụ này, đảm nhận việc giao thức ăn cho gần 1/5 cửa hàng ăn uống tại Đài Loan.

Thế nên, dễ hiểu tại sao những cử nhân trẻ mới tốt nghiệp tại Đài Loan, với mức lương khởi điểm chỉ khoảng 800 USD/tháng lại đổ xô đi làm tài xế giao thức ăn. Đặc biệt, với các tài xế "chịu khó cày", mức thưởng thu nhập cũng rất khá; một tài xế với 60 chuyến giao thức ăn trong 3 ngày sẽ kiếm được 1.200 TWD, nhưng nếu đạt 105 chuyến, mức thu nhập sẽ tăng tới 2.730 TWD.

Theo một khảo sát của công ty nhân sự 104 Job Bank, độ tuổi trung bình của tài xế giao thức ăn là 26, và khoảng 45% trong số đó có bằng đại học hoặc cao hơn. "Tôi muốn để dành tiền để cưới vợ. Dù tôi vẫn chưa có bạn gái", Wu nói.

Tuy nhiên, việc dịch vụ giao thức ăn trực tuyến tại Đài Loan tăng trưởng nóng cũng đi kèm với không ít sự cố, nhất là sau những vụ tai nạn giao thông xảy ra tại Đài Loan trong thời gian qua. Đã có 2 người chết vì tai nạn giao thông khi giao thức ăn vào tháng 10/2019, qua đó phần nào cho thấy những hành vi nguy hiểm có thể xảy ra trong lúc giao thức ăn như chạy quá tốc độ, vượt đèn giao thông và làm việc quá 12 tiếng/ngày.

Hàng loạt xe máy giao thức ăn của Foodpanda bên ngoài cổng trường nữ sinh Đệ nhất Đài Bắc vào buổi trưa.

Hàng loạt xe máy giao thức ăn của Foodpanda bên ngoài cổng trường nữ sinh Đệ nhất Đài Bắc vào buổi trưa.

Trước những lời chỉ trích từ cộng đồng, các công ty giao thức ăn cho biết, những tài xế là người làm việc độc lập theo hợp đồng, chứ không phải nhân viên của doanh nghiệp. Thế nhưng, câu trả lời này không mấy thuyết phục, khi vào cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Lao động Đài Loan nêu rõ, các tài xế giao thức ăn đang làm việc với tư cách nhân viên, chứ không phải người làm việc độc lập theo hợp đồng.

Phán quyết này đã gây sức ép lên các công ty dịch vụ giao thức ăn, buộc họ phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tài xế; tuy nhiên, thay vì mạnh tay chấn chỉnh ngành dịch vụ này, Bộ Lao động Đài Loan lại khuyến khích các giải pháp tự nguyện từ bản thân các công ty.

Andy Peng - Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Chia sẻ Đài Loan đã kêu gọi chính quyền chấp nhận ngành dịch vụ giao thức ăn. "Ngày càng nhiều cách làm việc tự do, linh hoạt chính là mục tiêu mà xã hội đang hướng tới", Peng nói.


Lê Duy

Theo DNSG

undefined