Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Dịch bệnh từng tác động đến thế giới thế nào?

12:00 | 10/03/2020

Không chỉ gây tổn hại tính mạng, làm rung chuyển nền kinh tế - xã hội, các dịch bệnh trong lịch sử còn phơi bày quan hệ giữa con người.

Dịch bệnh từng tác động đến thế giới thế nào?
Quảng trường Duomo vắng tanh sau khi Italy áp lệnh phong tỏa Milan hôm 8/3. Ảnh: Reuters.
Sau khi khởi phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 12/2019, Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 110.000 ca nhiễm và hơn 4.000 trường hợp tử vong. Các trường học trên toàn cầu phải đóng cửa, ảnh hưởng tới khoảng 300 triệu trẻ em. Hơn 780 triệu người Trung Quốc bị hạn chế đi lại dưới nhiều hình thức, 16 triệu người Italy cũng đang sống trong vòng phong tỏa.
Nhiều lĩnh vực chịu hậu quả nặng nề từ dịch bệnh, đặc biệt là ngành hàng không, khi các hãng phải cắt giảm chuyến bay vì loạt lệnh hạn chế đi lại, cũng như lo ngại sự lây lan virus. Dịch vụ du thuyền cũng rơi vào khủng hoảng.
Thị trường chứng khoán đầy biến động không có nhiều dấu hiệu khả quan, trong khi các chính phủ dự tính sử dụng gói hỗ trợ khẩn cấp để đối phó tổn thất kinh tế. Các sự kiện thể thao lớn bị hủy, những tụ điểm tập trung đông người đóng cửa. Đông đảo tín đồ không thể hành hương tới những nơi linh thiêng.
Frank Snowden, giáo sư lịch sử y khoa tại Đại học Yale, Mỹ, cho biết đây không phải lần đầu tiên sự gián đoạn nghiêm trọng như vậy xuất hiện. "Các dịch bệnh có thể lún sâu vào mọi lĩnh vực chính trong cuộc sống của con người. Chúng ảnh hưởng to lớn đến sự ổn định xã hội và chính trị, định đoạt các cuộc chiến tranh, đôi khi có khả năng khơi mào chúng", chuyên gia nói.
Vào thế kỷ 6, dịch hạch quét qua Đế chế La Mã, khiến 30-50 triệu người tử vong, ước tính tương đương một nửa dân số thế giới khi đó. Những tư liệu cổ xưa mô tả cảnh tượng khủng khiếp tại thành Constantinople, nơi xác hàng nghìn người chất đống trong mộ tập thể. Dịch bệnh còn được gọi là "Cái chết Đen" này làm rung chuyển Đế chế La Mã suốt 400 năm và là yếu tố quan trọng dẫn đến sự sụp đổ của nó.
Ác mộng "Cái chết Đen" tiếp tục trở lại hồi thế kỷ 14, cướp đi sinh mạng khoảng 200 triệu người trên khắp Bắc Phi, châu Á và châu Âu, "xóa sổ" 30-60% dân số châu Âu lúc đó, gây ra loạt hậu quả vô cùng sâu rộng.
Những thành phố trở nên hoang vu, chiến tranh tạm ngừng, thậm chí sự phát triển của các ngôn ngữ bị đảo ngược. Quyền kiểm soát của giới quý tộc địa chủ cũng bị vô hiệu hóa, do họ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trên quy mô lớn.
Tới thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17, chủ nghĩa thực dân đã dẫn đến cái chết của rất nhiều người, phần lớn xuất phát từ sự lây lan những dịch bệnh do người châu Âu truyền sang mà cư dân bản địa châu Mỹ chưa có khả năng miễn dịch. Theo một nghiên cứu công bố năm ngoái, sự sụt giảm dân số ở bán cầu Tây giai đoạn này có khả năng là nguyên nhân khiến nhiệt độ toàn cầu giảm.
Theo bình luận viên Ishaan Tharoor của Washington Post, dấu ấn của các dịch bệnh đối với xã hội không thể xóa nhòa. Đến tận ngày nay, dịch cúm Tây Ban Nha (1918-1919) dường như vẫn để lại nỗi ám ảnh to lớn. 500 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh trong đại dịch này, với 50-100 triệu ca tử vong, khiến tuổi thọ trung bình tại Mỹ giảm xuống khoảng 12 năm.
Các học giả nhận định hậu quả do cách quản lý vụng về và sự bưng bít của chính phủ Mỹ khi đó chứng minh tầm quan trọng của tính minh bạch trong ứng phó dịch bệnh. Theo bình luận viên Gillian Brockell của Washington Post, một số nhà sử học không chắc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có chú ý đến bài học đó hay không.
Giáo sư Snowden nhận xét các dịch bệnh dường như còn là tấm gương phản chiếu giúp loài người nhận ra chúng ta thực sự là ai. "Các dịch bệnh thực sự gắn liền với các mối quan hệ, sự sống và cái chết của chúng ta. Chúng phơi bày các vấn đề đạo đức giữa con người, điều mà chúng ta đang nhìn thấy hiện nay", ông nói.
Do Covid-19 bắt nguồn từ Trung Quốc, vô số sự cố liên quan đến bài ngoại, thường nhắm đến người gốc Đông Á, đã xuất hiện trên thế giới. Tuy nhiên, xu hướng này không có gì mới. Nạn nhân của các dịch bệnh trong quá khứ cũng thường là người nghèo hoặc đối tượng dễ bị tổn thương.
Khi bệnh dịch hạch tàn phá các nước châu Âu hồi thế kỷ 14, một thuyết âm mưu được lan truyền cho rằng kẻ xấu cố tình lây bệnh thông qua thuốc mỡ và bột mà họ lén bôi lên người khác, cánh cửa hay tường. Những người này bị gọi là "kẻ xức dầu", hay có thể hiểu là người lây bệnh, trở thành mục tiêu tấn công của đám đông.
Đối tượng bị nhắm đến vào thời điểm đó là cộng đồng Do Thái, bởi người châu Âu cho rằng họ muốn giết tất cả người theo đạo Kitô. Chưa đầy hai thế kỷ sau, khi dịch bệnh lan tới Italy, nhiều người tiếp tục tung tin đồn có những kẻ mang theo lọ dầu chứa mầm bệnh dịch hạch đi lại khắp nơi, dẫn đến làn sóng hành hung những người bị tình nghi.
"Chúng ta nên ngăn chặn tình trạng các tầng lớp thứ yếu trong xã hội bị ngược đãi do dịch bệnh như trong lịch sử", Hannah Marcus, nhà sử học tại Đại học Harvard, lưu ý.
Trong bài phân tích về tác động của dịch hạch thế kỷ 17 đến miền bắc Italy, nhà sử học Erin Maglaque chỉ ra rằng từ thường dân đến quý tộc đều bị mắc kẹt khi dịch bệnh hoành hành.
"Các nhà sử học hiện đại ban đầu quan tâm đến ý tưởng về thế giới bị đảo lộn, như việc một người bần cùng lên ngôi vua, hoặc áp lực trong một xã hội bất bình đẳng sâu sắc được rũ bỏ", Maglaque viết. "Tuy nhiên, vấn đề lại nảy sinh khi thế giới đứng yên".

Theo VnExpress

undefined