Kinh doanh

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Phát triển Khu KTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn hiện đại, năng động

12:00 | 10/12/2024

Khu Kinh tế cửa khẩu (KTCK) là đầu mối giao lưu quan trọng trong phát triển kinh tế, thương mại và du lịch giữa Lạng Sơn với Quảng Tây (Trung Quốc); được xác định trở động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.

Trong những năm qua, cả hệ thống chính trị tỉnh Lạng Sơn luôn nỗ lực để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu khẩu qua các cửa khẩu, thu hút đầu tư vào Khu KTCK để thúc đẩy kinh tế tỉnh. Từ đó, đưa Khu KTCK trở thành vùng động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt là dân cư khu vực biên giới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm các lực lượng đang làm nhiệm vụ tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. (Nguồn: TTXVN)

Nỗ lực thu hút đầu tư

Hòa chung vào nỗ lực này, Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn đã cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Phối hợp chặt chẽ trong công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại để tạo mặt bằng sạch thu hút các nhà đầu tư.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường hỗ trợ, giải quyết vướng mắc phát sinh đảm bảo triển khai hiệu quả Nền tảng cửa khẩu số; Tổ chức hội nghị gặp mặt với doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm tiếp thu, xử lý những ý kiến, phản ánh khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hoạt động thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

Khi đầu tư vào Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, các dự án sẽ được hưởng nhiều ưu đãi hỗ trợ đầu tư theo quy định tại Luật đầu tư, Luật thuế, Luật đất đai, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ Quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Theo đó, các dự án được hưởng ưu đãi về thuế (Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu), về đất đai (miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước), hỗ trợ khác (Hỗ trợ bồi thường thiệt hại, hỗ trợ và tái định cư, Chi phí đầu tư xây dựng, hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, thương mại theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”...)

Cụ thể, nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản tối đa 3 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất; ngoài ra, tuỳ thuộc loại hình dự án, địa bàn đầu tư mà dự án đầu tư có thể được miễn tiền thuê đất sau thời gian xây dựng cơ bản từ 13 năm đến toàn bộ vòng đời dự án. Về thuế thu nhập doanh nghiệp: đối với dự án đầu tư trong cụm công nghiệp được hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; đối với dự án đầu tư trong khu công nghiệp được miễn thuế trong 2 năm, giảm 50% trong 4 năm kế tiếp.

Đặc biệt, Lạng Sơn còn áp dụng các chính sách đặc thù như hỗ trợ thủ tục đầu tư; hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và hạ tầng ngoài hàng rào dự án; hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ nông thôn; khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và hỗ trợ đào tạo lao động, mang lại môi trường đầu tư thuận lợi và hấp dẫn.

Hiện tại Khu KTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn có 154 dự án, trong đó có 16 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư trên 87 triệu USD và 138 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư trên 16.000 tỷ đồng. Các dự án chủ yếu thuộc các lĩnh vực xây dựng thương mại, dịch vụ… Đặc biệt, trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng thương mại, kinh doanh kho bãi trong Khu KTCK hiện có 23 dự án đầu tư với số vốn đăng ký 3.400 tỷ đồng. Các dự án phát huy được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hoạt động thương mại dịch vụ, tạo sự sôi động trong hoạt động Khu KTCK.

Tỉnh Lạng Sơn luôn xác định, phát triển KTCK là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo, điều hành. (Nguồn: Facebook)

Sẵn tiềm năng, lợi thế

Tỉnh Lạng Sơn luôn xác định, phát triển KTCK là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo, điều hành. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng các Chương trình hành động để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, trong đó xác định việc “tiếp tục tập trung phát triển nhanh KTCK, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh” là một trong bốn chương trình trọng tâm phát triển kinh tế của tỉnh.

Khu KTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn đã được Chính phủ lựa chọn là một trong các Khu KTCK trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn năm 2016 - 2025. Tỉnh cũng quyết tâm xây dựng, phát triển Khu KTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn thành trung tâm KTCK hiện đại, năng động; trung tâm dịch vụ cửa khẩu, hậu cần logistic quốc gia và quốc tế. Đặc biệt, là việc triển khai thí điểm xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh theo Quyết định số 865/QĐ-TTg ngày 17/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Để hoàn thành mục tiêu trên, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung và huy động tối đa nguồn lực để hoàn thiện đồng bộ hạ tầng các khu vực cửa khẩu.

Theo đó, từ năm 2013 đến nay, từ nguồn ngân sách Nhà nước, tỉnh đã bố trí đã bố trí trên 11.000 tỷ đồng để tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội trọng yếu tại các khu vực cửa khẩu. Nổi bật là công trình tòa nhà Cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Hữu Nghị và tuyến đường chuyên dụng xuất, nhập khẩu hàng hóa qua mốc 1119 - 1120 tại CKQT Hữu Nghị được đầu tư, đưa vào sử dụng đã góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới.

Bên cạnh CKQT Hữu Nghị, tỉnh đã tích cực tranh thủ các nguồn vốn để tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng trọng yếu ở các cửa khẩu: Tân Thanh, Cốc Nam, Chi Ma… Những dự án đầu tư hạ tầng đều đã hoàn thành và đưa vào sử dụng kịp thời góp phần quan trọng trong việc phát huy hiệu quả Khu KTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước qua địa bàn.

Không chỉ Khu KTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn, tiềm năng khai thác các khu, cụm công nghiệp của Lạng Sơn còn rất lớn. Tỉnh đang có lợi thế về quỹ mặt bằng để thực hiện các dự án, do vậy, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã và đang tính toán chuyển hướng đầu tư vào địa bàn tỉnh.

Để đón sóng đầu tư mới, tỉnh sẽ tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh biên giới, cửa khẩu với Trung Quốc để phát triển kinh tế cửa khẩu, phát triển giao thông liên vùng, quốc tế, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các tập đoàn lớn, các nhà đầu tư quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ dọc tuyến đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và các cụm công nghiệp để thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp, trong đó, chú trọng thu hút FDI trên địa bàn tỉnh. Mới nhất, vào tháng 6/2024, dự án Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn được khởi công với tổng vốn đầu tư lên đến gần 6.400 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore làm chủ đầu tư. Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn sẽ là nơi thu hút các nhà đầu tư lĩnh vực công nghiệp chất lượng, đặc biệt là các nhà đầu tư năng lượng tái tạo. Qua đó, vừa góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, vừa đưa lĩnh vực công nghiệp của tỉnh Lạng Sơn phát triển bền vững.

Ngoài ra, đẩy mạnh thực hiện, triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cấp sở, ngành. Đẩy mạnh phát triển các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân trong những ngành chủ lực, có lợi thế của tỉnh... Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Tổ chức, đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Hoạt động xuất, nhập khẩu trên tuyến biên giới của tỉnh được duy trì ổn định tại 5 cửa khẩu và 2 đường chuyên dụng, lối thông quan với hiệu suất cao, trung bình đạt khoảng 1.300 lượt xe/ngày, cao điểm lên đến gần 1.500 lượt xe/ngày. Trong 11 tháng năm 2024, Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu các loại hình qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 59 tỷ USD tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023; Số thu ngân sách từ hoạt động XNK đạt trên 6.000 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ. Thời gian tới, để tăng hiệu suất thông quan, tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp như: tăng cường hội đàm, trao đổi, đàm phán với chính quyền địa phương phía Trung Quốc nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh, thống nhất các giải pháp nâng cao năng lực thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra ùn tắc hàng hóa, đặc biệt là dịp cao điểm cuối năm giáp Tết…

Việc xây dựng chính sách thông thoáng, ưu đãi đã giúp Lạng Sơn tạo sức hút đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài hoặc có vốn đầu tư nước ngoài có tiềm lực đến đầu tư vào các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Từ đó, từng bước đưa Lạng Sơn trở thành động lực tăng trưởng và là trung tâm kinh tế của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.

undefined