Kinh doanh

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Vì sao Apple và Tesla gặp khó ở thị trường Trung Quốc?

12:00 | 12/03/2024

Cả hai đều phải dùng đến biện pháp giảm giá - điều mà họ hiếm khi làm trước kia - để lôi kéo khách hàng tại quốc gia tỷ dân...

Apple và Tesla đã có một khoảng thời gian chinh phục thành công thị trường Trung Quốc. Nhưng hiện tại, hai “gã khổng lồ” Mỹ này đang đối diện với những vết rạn trong chiến lược của chính họ, khi các đối thủ nội địa ngày càng mạnh lên và tinh thần yêu nước của người tiêu dùng Trung Quốc khiến các thương hiệu nước ngoài giảm sức hút.

Những con số cho thấy thị phần và doanh thu giảm tại Trung Quốc mà Apple và Tesla công bố trong tháng này cho thấy hai thương hiệu Mỹ đang đứng trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt và chịu ảnh hưởng tiêu cực từ căng thẳng địa chính trị Mỹ-Trung. Cả hai đều phải dùng đến biện pháp giảm giá  - điều mà họ khiếm khi làm trước kia - để lôi kéo khách hàng tại quốc gia tỷ dân.

XU HƯỚNG BỎ IPHONE, DÙNG ĐIỆN THOẠI HUAWEI

Đặc biệt rõ nét là sự dịch chuyển của người tiêu dùng Trung Quốc khỏi Apple, được thúc đẩy bởi một chiến dịch từ trên xuống trong đó Chính phủ nước này yêu cầu công chức nhà nước hạn chế sử dụng iPhone. Cuộc hồi sinh ngoạn mục của hãng công nghệ Trung Quốc Huawei sau khi bị Mỹ cấm vận công nghệ cũng góp phần không nhỏ vào tình trạng giảm sút doanh số của “táo khuyết” tại nước này. Năm ngoái, Huawei đã gây tiếng vang lớn khi trình làng Mate 60 Pro, chiếc điện thoại 5G sử dụng con chip tiên tiến do Trung Quốc chế tạo.

Thách thức mà Apple phải đương đầu ở Trung Quốc đã được thể hiện rõ tại kỳ họp thường niên của Quốc hội diễn ra tuần vừa rồi ở Bắc Kinh. Nhiều đại biểu tham dự kỳ họp này nói với phóng viên của tờ báo Financial Times rằng họ đang dùng điện thoại thương hiệu Trung Quốc.

“Ai tới đây cũng đều được khuyến khích sử dụng điện thoại trong nước, vì những loại điện thoại như iPhone không an toàn. Điện thoại Apple sản xuất ở Trung Quốc, nhưng nhỡ đâu con chip trong đó lại có cửa sau thì sao”, nhà vật lý hạt nhân Zhan Wenlong, một đại biểu Quốc hội Trung Quốc, phát biểu.

Ông Wang Chunru, một đại biểu Hội nghị Hiệp thương chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC),  cho biết ông đang dùng một chiếc điện thoại iPhone. “Chúng tôi đều biết là Apple có năng lực nghe lén”, ông Wang nói.

Đại biểu Li Yanfeng đến từ tỉnh Quảng Tây cho biết điện thoại của bà cũng là Huawei. “Tôi tin tưởng các thương hiệu trong nước, sử dụng thương hiệu trong nước là một yêu cầu nhất quán”, bà Li nói.

Nếu không tính Mỹ, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Apple và Tesla, lần lượt đóng góp 19% và 22% tổng doanh thu trong năm tài khoá gần đây nhất của mỗi công ty. Những thách thức ngày càng lớn đối với Apple và Tesla tại thị trường Trung Quốc đã gây lo ngại cho nhà đầu tư ở Phố Wall, góp phần khiến giá cổ phiếu của Apple giảm 9% từ đầu năm đến nay và giá cổ phiếu của Tesla giảm 28%. Với mức giảm này, Apple và Tesla trở thành những cổ phiếu đuối sức nhất trong số các cổ phiếu công nghệ trong nhóm Magnificent 7.

Có thể nói Apple và Tesla là những doanh nghiệp nước ngoài mới nhất cảm nhận rõ thách thức từ việc người tiêu dùng Trung Quốc chuyển hướng sang các thương hiệu trong nước. Doanh thu từ việc bán các sản phẩm thời trang thể thao của hai thương hiệu Nike và Adidas tại thị trường này vẫn chưa thể quay trở lại mức đỉnh thiết lập vào năm 2021. Một báo cáo gần đây của McKinsey cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng các thương hiệu trong nước.

Apple đã mất thị phần trên thị trường điện thoại cao cấp vào tay Huawei, nhất là từ khi Huawei ra mắt chiếc Mate 60 Pro vào tháng 8 năm ngoái. Cùng với đó, một chiến dịch của Chính phủ Trung Quốc nhằm loại bỏ điện thoại Apple khỏi các cơ quan nhà nước đã được đẩy mạnh từ mùa hè năm ngoái tới nay.

Một công chức làm việc tại một viện nghiên cứu nhà nước, chỉ tiết lộ họ là Guo, cho biết cơ quan ông nhận được yêu cầu trên vào cuối năm ngoái. “Chúng tôi được cho thời hạn 1 tháng để dừng sử dụng điện thoại iPhone. Sau đó, người của Huawei tới, mang theo điện thoại để bán với mức giá chiết khấu 20%. Mọi người tranh nhau mua”, ông Guo nói.

Ông Nong Jiagui, một giáo viên ở tỉnh Vân Nam, cho biết những người làm trong ngành giáo dục cũng nhận được yêu cầu tương tự. “Các trường học được yêu cầu sử dụng điện thoại Trung Quốc, để ủng hộ các công ty trong nước”, ông nói.

Đối với người tiêu dùng bình thường, chủ nghĩa yêu nước đã thúc đẩy sự dịch chuyển. Một người họ Liu đã đổi từ iPhone sang Huawei Mate 60 vào tháng 10 năm ngoái. “Từ lâu tôi đã đợi một chiếc điện thoại có con chip sản xuất trong nước thực sự, nên tôi đã bỏ iPhone và ủng hộ Huawei”, ông nói.

TESLA TRONG CUỘC CHIẾN GIẢM GIÁ, MẤT ƯU ĐÃI THUẾ

Dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường công nghệ Counterpoint cho thấy trong 6 tuần đầu năm nay, doanh số smartphone của Apple tại Trung Quốc đã giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, doanh số của Huawei tại “sân nhà” tăng 64%.

Nhu cầu suy yếu tại thị trường Trung Quốc thể hiện rõ qua doanh thu của quý thứ 4 trong năm tài khoá vừa rồi của Apple. Trong đó, doanh thu tại Trung Quốc bất ngờ giảm 13% so với 1 năm trước đó. CEO Tim Cook của Apple tháng trước nói với các nhà phân tích rằng ông vẫn “rất lạc quan về Trung Quốc trong dài hạn” và cho rằng một phần nguyên nhân của sự sụt giảm doanh số ở Trung Quốc là sự tăng giá của đồng USD.

Ông Cook đã dành nhiều năm gắn kết vận may của Apple với Trung Quốc và xây dựng chuỗi cung ứng phụ thuộc nhiều vào các nhà máy ở Thẩm Quyến và Trịnh Châu. Nhưng hiện tại, Apple đang cố gắng đa dạng hóa hoạt động sản xuất sang các nước như Ấn Độ.

Đối mặt với một thị trường khó khăn hơn, Apple và các nhà bán lẻ sản phẩm của hãng đã bắt đầu giảm giá ở Trung Quốc. Ông Ivan Lam, nhà phân tích cấp cao tại Counterpoint, cho biết về tình hình của Apple tại Trung Quốc: “Tăng trưởng doanh số ngày càng phụ thuộc vào các hoạt động khuyến mại và giảm giá”.

Về phần mình, Tesla đã nhiều lần phải sử dụng chiến lược như vậy để duy trì doanh số bán hàng ở Trung Quốc. Hãng xe điện Mỹ mới đây đã đưa ra các ưu đãi lên tới 34.600 nhân dân tệ (4.800 USD) để thu hút người tiêu dùng Trung Quốc mua xe sedan Model 3 và xe thể thao đa dụng Model Y.

Dù doanh số của Tesla tại Trung Quốc vẫn ổn định trong năm 2023, công ty đang phải đối mặt với cuộc chiến giá cả khốc liệt và những dấu hiệu đầu tiên của nhu cầu tăng trưởng chậm lại. Trong 2 tháng đầu năm 2024, thị phần của Tesla trong tổng doanh số bán xe sử dụng năng lượng mới tại Trung Quốc, bao gồm xe điện và xe hybrid cắm xạc, đã giảm xuống 6,6%, từ mức 7,9% cùng kỳ năm trước - theo Hiệp hội Xe hơi Trung Quốc (CPCA).

Lợi nhuận của Tesla tại thị trường Trung Quốc năm nay cũng sẽ bị ảnh hưởng vì công ty này không còn được hưởng mức thuế ưu đãi 15%, trong khi  nhiều đối thủ cạnh tranh địa phương vẫn được hưởng thuế suất như vậy. Chẳng hạn, hãng xe quốc doanh SAIC Motor của Thượng Hải đã hưởng mức thuế 15% gia hạn 4 lần kể từ năm 2008 vì là một “doanh nghiệp công nghệ cao”.

Người dùng xe Tesla cũng thấy nản vì số vùng cấm ngày càng tăng đối với phương tiện của họ. Các vùng cấm bao gồm những nơi như khu vực quân sự và cơ quan công quyền vì mối lo các thiết bị trong cabin trên xe Tesla có thể thu thập dữ liệu nhạy cảm. Về phía Mỹ, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng đã bày tỏ mối lo ngại tương tự về ô tô thông minh của Trung Quốc.

Ông Daniel Kollar, chuyên gia ô tô tại công ty tư vấn Intralink, cho biết hoạt động kinh doanh của Tesla tại Trung Quốc vẫn tốt nhưng công ty phải đối mặt với nhiều thách thức từ sự cạnh tranh của các đối thủ bản địa, xu hướng trỗi dậy của xe hybrid và những hạn chế liên quan đến an ninh. “Có rất nhiều sản phẩm xe điện thương hiệu trong nước để thay thế cho xe Tesla ở Trung Quốc”, ông Kollar nói.


An Huy

Theo VnEconomy

undefined