Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Chậm giải ngân vốn đầu tư công: "Trên nóng, dưới lạnh"?

12:00 | 11/08/2022

7 tháng, cả nước giải ngân vốn đầu tư công đạt xấp xỉ 34,5%, thấp hơn khoảng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Quyết liệt thúc tiến độ giải ngân đầu tư công

Xác định giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhiều cuộc họp đã được Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và tổ trưởng các tổ công tác của Chính phủ chủ trì để đôn đốc tiến độ giải ngân.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành 9 Nghị quyết, 3 công điện, 7 văn bản; tổ chức 1 hội nghị trực tuyến với các bộ ngành, địa phương, để chỉ đạo điều hành kế hoạch đầu tư công năm nay.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn vướng mắc đòi hỏi sự quyết liệt của người đứng đầu các đơn vị và các chế tài xử lý mạnh tay hơn.

Nhiều giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ được Thủ tướng chính phủ và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Thủ tướng đã nhấn mạnh nếu như các bộ ngành, địa phương không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân thì phải kiểm điểm người đứng đầu, đồng thời điều chuyển kế hoạch vốn.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào kết quả cho đến thời điểm này lại đang giải ngân thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Liệu có phải đang có tình trạng "trên nóng dưới lạnh"?

Chắc chắn về chủ quan, có không ít người đứng đầu các đơn vị còn thiếu quyết liệt, chưa tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc của các dự án. Đây là nhóm nguyên nhân về việc tổ chức triển khai thực hiện được Bộ Kế họach và Đầu tư chỉ ra trong 3 nhóm nguyên ngân chính, tổng hợp từ khoảng 21 tồn tại ở nhiều khía cạnh.

Nhóm khó khăn thứ hai liên quan đến vướng mắc về thể chế, chính sách trong nhiều lĩnh vực. Một dự án đầu tư công chịu sự chi phối của một loạt quy định pháp luật. Vướng mắc nhiều nhất được ghi nhận về đất đai, giải phóng mặt bằng.

Nhóm thứ ba liên quan đến những khó khăn đặc thù. Theo đó, trong mỗi năm, mỗi giai đoạn, lại có những vướng mắc mới phát sinh, có tính đặc thù. Đối với năm 2022, ngoài chuyện phải về cuối năm giải ngân đầu tư công mới có thể tăng tốc thì năm nay giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, có tình trạng khan hiếm nguồn cung vật liệu xây dựng . Một số nơi chưa cập nhật kịp thời sát giá thị trường, nhà thầu có tâm lý chờ điều chỉnh chính sách về giá để tránh tình trạng "càng làm càng lỗ".

Trong các nhóm nguyên nhân làm chậm giải ngân vốn đầu tư công, nhiều giải pháp cũng đã được nêu ra. Trong đó, dự kiến một Nghị quyết của Chính phủ để đốc thúc nhiệm vụ này sẽ sớm được ban hành.

Nghị quyết của Chính phủ đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm được kì vọng sẽ đi kèm những chế tài cụ thể để xử lý các đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng chậm giải ngân. Theo đại diện Bộ Kế họah và Đầu tư, Nghị quyết sẽ tập trung vào 2 nhóm giải pháp chính.

"Nhóm thứ nhất là chúng ta tiếp tục thực hiện kiên quyết và quyết liệt hơn có giải pháp có sẵn. Thứ hai, liên quan đến giải pháp đặc thù của những tháng cuối năm, đầu tiên giảm sức ép giá nguyên vật liệu đầu vào. Theo dõi sát tình hình giá cả, phải đảm bảo trong điều hành giá cả của chính phủ, đồng thời phải xử lý triệt để tình trạng găm hàng, chờ tăng giá", ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.

Một yếu tố quan trọng khác đó là phải chuẩn bị dự án kỹ càng từ sớm. Các thủ tục chuẩn bị đầu tư, đấu thầu nếu bước nào làm được trước thì phải làm ngay, để rút ngắn thời gian phê duyệt dự án.

Các địa phương nỗ lực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Với tinh thần việc gì làm được trước thì phải làm ngay để không mất thời gian chờ đợi, đặc biệt là đối với các dự án nằm trong Chương trình phục hồi phát triển kinh tế, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, một số địa phương cũng đang nỗ lực tìm các giải pháp linh hoạt về nguồn vốn, công tác thi công, nghiệm thu thanh toán.

Dự án cải tạo rạch Bà Tiếng, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh có số vốn cấp năm nay là 300 tỷ đồng. Mặt bằng chưa hoàn tất giải phóng nhưng xong phần nào thì chính quyền xúc tiến chủ đầu tư thi công phần đó không chờ đợi. Nhờ vậy, tiến độ giải ngân của dự án hiện đạt gần 80%.

Giữa chính quyền và chủ đầu tư phối hợp sâu sát cũng giúp doanh nghiệp tránh được rủi ro bên ngoài.

7 tháng, giải ngân vốn đầu tư công của TP Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều thách thức khi mới đạt 26%. Thành phố đang tập trung xử lý 3 nhóm vấn đề lớn: Nhóm các dự án vốn vay ODA, nhóm các dự án có vốn trên 100 tỷ đồng và nhóm dự án bồi thường giải phóng mặt bằng.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Trên nóng, dưới lạnh? - Ảnh 1.

Các địa phương nỗ lực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh minh họa.

Tạ Phú Thọ, dự án xây dựng trường THPT chuyên Hùng Vương theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2024. Tuy nhiên, đến nay đã đạt 80% khối lượng và dự kiến sẽ về đích vào cuối năm nay.

6 tháng đầu năm nay, tỉnh Phú Thọ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 52%, là địa phương có kết quả đứng top đầu cả nước. Lãnh đạo tỉnh cho biết, thời gian qua đã mạnh tay cắt chuyển vốn các dự án giải ngân thấp sang cho các dự án giải ngân tốt. Ngoài ra, cũng tập trung xây dựng kế hoạch chi tiết ngay từ đầu.

Tại Hà Nội, dự án hầm chui Lê Văn Lương đến nay đã đạt gần 69% tiến độ giải ngân của năm và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10. Theo các nhà thầu, việc ưu tiên hoàn thành trạm bơm chống ngập sẽ góp phần đảm bảo cho công tác thi công, đặc biệt vào mùa mưa ngập cuối năm.

Ông Nguyễn Văn Phong - Phó Phòng dự án, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho hay: "Xây dựng kế hoạch để giải ngân cho các nhà thầu từ tiến độ đó chúng tôi mới chỉ đạo các nhà thầu về tiến độ thi công cũng như chỉ đạo các nhà thầu làm hồ sơ thanh toán để đảm bảo theo đúng tiến độ giải ngân đã cam kết".

Ngoài ra, dự án cầu Vĩnh Tuy 2 tại Hà Nội với số vốn đầu tư công lớn cũng đang thi công đến đâu thanh toán đến đấy, huy động tối đa nguồn nhân lực, vật lực để đảm bảo tiến độ cam kết.

Với mục tiêu giải quyết những nút thắt để giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả cao, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Chính phủ cũng đang tiếp tục xây dựng, báo cáo Quốc hội cho phép tách khâu giải phóng mặt bằng ra thành một dự án riêng, phù hợp với điều kiện thực tế, tạo thuận lợi hơn cho công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao tính sẵn sàng và khả thi cho quá trình triển khai thi công và giải ngân vốn.



Theo VTV News

undefined