Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng định lượng

12:00 | 10/08/2022

Theo giới chuyên môn, mặc dù tiền tệ không phải lực đẩy chính tạo nên lạm phát ở Việt Nam nhưng ứng xử của Ngân hàng Nhà nước là cần thiết trong bối cảnh lạm phát được dự báo tăng mạnh từ nay đến đầu năm 2023...

Ảnh minh hoạ


Mới đây, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp tương đối “rắn” trong điều hành tiền tệ, trong đó có vấn đề nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, phát biểu tại cuộc làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành về ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước vẫn điều hành chính sách tiền tệ trên cơ sở tăng trưởng tín dụng cả năm nay là 14%.

CÁC NGÂN HÀNG HỤT HẪNG

Trước khi Thống đốc phát biểu, đã có nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và các ngân hàng thương mại đã kiến nghị về việc cần nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room) lên 15 - 16% cho năm nay. Họ tin rằng, có 3 lý do để Ngân hàng Nhà nước sẽ đáp ứng kiến nghị này.

Thứ nhất, Chính phủ đang thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, trong đó có gói kích cầu quy mô 40.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh  2% lãi suất khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại.

Ngân hàng Nhà nước đã tổng hợp, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền để giao bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022 (gần 16.035 tỷ đồng), bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2023 (trên 23.965 tỷ đồng).

Với mức phân bổ ngân sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm, ước tính các ngân hàng sẽ dành khoảng 800.000 tỷ đồng dư nợ cho vay trong năm nay để giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp đủ điều kiện. Sang năm 2023, dư nợ dự kiến được hỗ trợ lãi suất vào khoảng 1,2 triệu tỷ đồng.

Tuy nhiên, vào cuối tháng 5/2022, khi Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành Thông tư hướng dẫn triển khai chính sách về gói hỗ trợ nói trên thì nhiều ngân hàng thương mại cho biết đã gần cạn “room” tín dụng của năm nay. Thời điểm đó, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 7,75%, mức tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.

Vì vậy, nhiều người lạc quan cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm phân bổ thêm hạn mức để các ngân hàng thương mại thực thi chính sách hỗ trợ như đã nói.

Thứ hai, lạm phát tại các quốc gia trên thế giới được hình thành từ sự chủ quan, tin rằng việc tung hàng chục nghìn tỷ USD ra để đỡ nền kinh tế trong dịch bệnh sẽ không gây tác dụng phụ. Ngoài ra, cuộc xung đột Nga – Ukraine, điều mà không ai ngờ đến cũng khiến áp lực lạm phát tăng thêm.

Nhằm đối phó với tình trạng đó, nhiều ngân hàng trung ương đã lần lượt chuyển từ chính sách tiền tệ nới lỏng trong đại dịch Covid-19 sang chính sách thắt chặt thông qua tăng lãi suất chính sách và dừng các chương trình mua trái phiếu.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lạm phát tại Việt Nam không hoàn toàn đến từ tiền tệ mà chủ yếu do chi phí đẩy. Tức là theo con đường nhập khẩu và đi dần vào giá tiêu dùng, chứ không bao gồm cả lạm phát cầu kéo như ở Mỹ và các nước châu Âu.

Theo đó, để chống lạm phát chi phí đẩy thì tăng lãi suất không phải là biện pháp. Thậm chí, nhiều quan điểm tin rằng, khi Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng, cuộc đua lãi suất có thể hình thành nhưng điều này là phù hợp với xu hướng thế giới.

Thứ ba, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2022 tăng nhẹ 0,4% so với tháng trước, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021. Bình quân 7 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm 2021, cách khá xa so với mục tiêu cả năm khoảng 4%.

Phải thấy, room tín dụng được coi là giải pháp để điều tiết quy mô và đích đến dòng tiền từ hệ thống tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, xuất hiện từ năm 2014 và đã chứng minh tính hiệu quả. Đó là, tình trạng các ngân hàng vãi tiền cho sân sau và các lĩnh vực rủi ro như bất động  sản, chứng khoán... như từng diễn ra trước năm 2011 được khắc phục về cơ bản.

Trong khi, từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều ngân hàng “vung tay quá trán”, không dành chỉ tiêu cho nửa cuối năm. Họ không lường trước tình thế Ngân hàng Nhà nước rất “rắn” trong việc kiểm soát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ kiểm soát lạm phát nên không tránh khỏi hụt hẫng.

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC NÓI GÌ VỀ ROOM TÍN DỤNG?

Nói về vấn đề tăng trưởng tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, quả thật có khá nhiều ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên 15 - 16%.

Song theo Thống đốc, tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam (GDP mới) theo đánh giá của WB là cao nhất thế giới, ở mức 124%; tỷ lệ tín dụng trên huy động vốn đã là 99%, nghĩa là huy động 100 đồng đã cho vay 99 đồng. Do đó, nếu nới room tín dụng thì có thể  đẩy cuộc đua lãi suất sẽ quay trở lại, vốn chảy vòng quanh từ ngân hàng này sang ngân hàng khác như từng diễn ra vào các năm 2007 – 2008.

Ngoài ra, Thống đốc cũng thông tin thêm, năm 2022, khi xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, lúc đó là thời điểm nền kinh tế chưa phục hồi nhanh, Ngân hàng Nhà nước đã đưa chỉ tiêu 14%, cao hơn 13,6% năm 2021 và 12,17% của năm 2020. Như vậy, đã tạo dư địa để thúc đẩy phục hồi. Đến nay, diễn biến rất khác, nền kinh tế nước ta phục hồi khá mạnh mẽ, riêng tăng trưởng quý 2 tăng 7,72%, tính chung 6 tháng tăng là 6,42%.

“Từ nay đến cuối năm, Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh các gói phục hồi, cũng như đẩy mạnh đầu tư công. Như vậy, tới đây sẽ có dòng tiền ra để hỗ trợ kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cho rằng với điều hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh lạm phát này thì không thể chủ quan được”, Thống đốc nhấn mạnh.

Thực tế, việc kiểm soát lạm phát của Việt Nam khá tốt trong nửa đầu năm và như đã nêu, đây cũng là một trong những cơ sở để thị trường tin rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ nới tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khá nhiều dấu hiệu “không ổn” của lạm phát đã hình thành.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, khi giá lương thực, thực phẩm tăng 10% sẽ tác động trực tiếp làm CPI tăng 2,77 điểm phần trăm. Việc chủ động nguồn cung lương thực, thực phẩm với giá ổn định là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam kiểm soát lạm phát trong nửa đầu năm 2022.

Mặc dù giá xăng dầu giảm nhờ các chính sách thuế nhưng ông Lâm cho hay, CPI lại chịu gánh nặng thịt lợn. Riêng trong tháng 7/2022, giá thịt lợn tăng 4,29% so với tháng trước do chi phí thức ăn chăn nuôi và chi phí vận chuyển tăng. Trong khi, mặt hàng thịt lợn đang chiếm tỷ trọng 3,39% của bộ chỉ số tính lạm phát nên sẽ có tác động khá lớn.

“Cho dù giá bán lợn hơi có tăng so với tháng trước nhưng người chăn nuôi vẫn chưa yên tâm tái đàn và mở rộng sản xuất. Điều này khiến giá lợn có thể sẽ tiếp tục biến động và ảnh hưởng tới CPI trong thời gian tới”, ông Lâm nói.

TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia chia sẻ, tác động giá nguyên vật liệu cơ bản cũng như xăng dầu mới chỉ ở vòng 1. Trong khi nguyên tắc là “vòng xoáy” lạm phát, tức có ở vòng 2 và vòng 3… Khi đó, những yếu tố này sẽ đè nặng lên lạm phát hơn nữa tại quý 3 và quý 4 năm nay. Do đó, ông Nghĩa dự báo, CPI chung năm nay sẽ tăng hơn năm ngoái khoảng 2,0 - 2,2 điểm phần trăm, tương đương CPI cả năm 2022 sẽ trên dưới 4%.

Cũng theo ông Nghĩa, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm tới việc điều hành các chỉ tiêu tiền tệ để kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý. Trong đó, mức hợp lý ở đây tức là lạm phát không chỉ đạt mục tiêu trong năm nay, mà còn không tạo áp lực cho năm sau.

“Bởi vậy, bên cạnh những thế “võ cổ truyền” như bơm – hút tiền điều tiết, cân đối thanh khoản hoặc “biến chiêu” như đấu thầu lãi suất thị trường mở (OMO), việc Ngân hàng Nhà nước không nới room tín dụng, phòng thủ từ xa đối với rủi ro lạm phát cũng là điều dễ hiểu”, ông Nghĩa nhận xét.

Cũng theo ông Nghĩa, việc không nới hạn mức tăng trưởng tín dụng còn giúp nhà điều hành tiền tệ không để dòng tiền dịch chuyển quá nhiều qua thị trường bất động sản gây bong bóng. Tính đến tháng 6/2022, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 14,07% so với cuối năm 2021.


Đào Vũ

Theo VnEconomy

undefined