Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Đồng yên có còn là “hầm trú ẩn”?

12:00 | 27/08/2024

Đồng yên Nhật Bản vốn được coi là một tài sản an toàn, có khả năng bảo vệ nhà đầu tư khỏi ảnh hưởng từ những nhiễu động trong nền kinh tế và trên thị trường tài chính...

Nhưng tỷ giá đồng yên đã biến động mạnh trong năm nay và một câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu địa vị “hầm trú ẩn” của đồng tiền này có còn nguyên vẹn?

Từ đầu năm đến nay, đồng tiền của Nhật đã trải qua nhiều pha “lên thác xuống ghềnh”. Hồi tháng 7, đồng yên có thời điểm giảm xuống gần 162 yên đổi 1 USD - mức thấp nhất trong 38 năm - dẫn tới động thái can thiệp thị trường ngoại hối của Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Trước đó vào tháng 5, khi đồng yên rớt giá xuống ngưỡng 160 yên đổi 1 USD, nhà chức trách Nhật cũng phải bán ngoại tệ để vực dậy đồng nội tệ. Sau động thái tăng lãi suất của BOJ vào hôm 31/7, đồng yên tăng giá dữ dội.

Phiên giao dịch ngày 26/8, tỷ giá yên có lúc đạt 143,45 yên đổi 1 USD, mức thấp nhất của đồng bạc xanh trong vòng 3 tuần trở lại đây.

NHỮNG YẾU TỐ HẬU THUẪN ĐỊA VỊ “HẦM TRÚ ẨN” CỦA YÊN

Trao đổi với hãng tin CNBC, một số nhà phân tích nói rằng bỏ qua sự biến động tỷ giá yên trong thời gian qua, đồng tiền này về cơ bản giữ nguyên địa vị một tài sản an toàn do tính chất “có thể đoán định”.

“Chúng tôi tin có thể gọi đồng yên là một tài sản an toàn, xét tới việc Nhật Bản vẫn là chủ nợ bên ngoài lớn nhất thế giới, có thặng dư tài khoản vãng lai bền vững và có mức lạm phát ổn định”, nhà kinh tế Ryota Abe của ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation nói với CNBC.

Theo lý thuyết kinh tế, đồng tiền của một quốc gia thường có khuynh hướng mất giá khi quốc gia đó có thâm hụt tài khoản vãng lai. Ngược lại, thặng dư tài khoản vãng lai có thể giúp đồng tiền của một nước tăng giá.

Giám đốc tư vấn đầu tư Hugh Chung của công ty Endowus nhận định tỷ giá đồng yên thường tăng giá bền bỉ khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và thị trường chứng khoán Mỹ đồng thời giảm, tương tự như thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008 hay trong đại dịch Covid-19 năm 2020.

Nhưng mặt khác, đồng yên lại nghiêng về mất giá so với đồng USD trong những giai đoạn tâm lý lo sợ rủi ro gia tăng mà ở đó lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng nhưng chứng khoán Mỹ giảm - ông Chung nói thêm. Vị chuyên gia lấy dẫn chứng cho trường hợp này là vào năm 2022, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để chống lạm phát.

Theo ông Chung, nguyên nhân chính dẫn tới biến động tỷ giá đồng yên trong năm nay là chênh lệch lớn giữa lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và Nhật Bản. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm hiện ở mức khoảng hơn 1%, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đang gần mức 4%.

Trước khi BOJ từ bỏ chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) vào hôm 18/3, chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu Mỹ và Nhật Bản thậm chí còn rộng hơn. Ở thời điểm ngày 16/3 - ngày giao dịch cuối cùng trước khi BOJ đưa ra tuyên bố chấm dứt YCC, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm chỉ ở mức 0,796% và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng kỳ hạn là hơn 4,304%.

Chênh lệch lãi suất nói trên đã dẫn tới sự nở rộ của carry-trade, loại hình giao dịch mà nhà đầu tư đi vay những đồng tiền có lãi suất thấp hơn như đồng yên để đầu tư vào những tài sản có lợi suất cao hơn. Khi đồng yên tăng giá hơn 12% chỉ trong vòng 3 tuần từ mức đáy 161,99 yên đổi 1 USD vào hôm 3/7 lên mức 141,66 yên đổi 1 USD vào hôm 5/8, các nhà giao dịch đã ồ ạt rút khỏi vị thế carry-trade.

DỰ BÁO TỶ GIÁ YÊN

Theo ông Chung, đồng yên vẫn giữ nguyên tính chất nhạy cảm với lãi suất ở Mỹ nhưng sẽ tiếp tục là một tài sản an toàn mỗi khi xuất hiện mối lo về tăng trưởng kinh tế.

Nhà kinh tế Abe nói mức độ biến động mạnh của tỷ giá yên trong thời gian qua chủ yếu do biến động môi trường bên ngoài thay vì các yếu tố nội tại ở Nhật Bản. Theo ông Abe, yếu tố đóng góp nhiều nhất vào biến động tỷ giá yên trong tháng 8 là “mối lo quá mức” về khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái sau khi Bộ Lao động nước này công bố báo cáo việc làm yếu hơn nhiều so với dự báo.

“Dĩ nhiên, tôi không phủ nhận ảnh hưởng của việc BOJ tăng lãi suất vào tháng 7, nhưng mức tăng chỉ là 0,15 điểm phần trăm và phản ứng ban đầu với quyết định của BOJ là không đồng nhất”, ông Abe nói thêm.

Theo nhà kinh tế này, nếu quyết định của BOJ là nguyên nhân chính gây biến động tỷ giá đồng yên, phản ứng của thị trường lẽ ra phải mạnh mẽ hơn nhiều. Ông nói thêm rằng đồng yên “lẽ ra phải được mua ồ ạt ngay sau khi BOJ đưa ra quyết định tăng lãi suất, nhưng thực tế không phải như vậy”.

Quyết định của BOJ được đưa ra trong thời gian của phiên giao dịch ngày 31/7, nhưng phải tới các phiên giao dịch từ ngày 2-5/8, đồng yên mới tăng giá mạnh.

Ông Abe dự báo tỷ giá yên so với USD sẽ dao động quanh ngưỡng 145 yên đổi 1 USD trong thời gian còn lại của năm nay, và bất kỳ bước tăng giá nào lên cao hơn đều tùy thuộc vào tiến độ cắt giảm lãi suất của Fed. Ông nhấn mạnh việc Fed hạ lãi suất với tốc độ như thế nào sẽ có ý nghĩa “đặc biệt quan trọng” với diễn biến tỷ giá yên.

Về năm 2025, ông Abe dự báo đồng yên sẽ tăng giá lên mức khoảng 138 yên đổi 1 USD và mức độ biến động sẽ tương đối cao. Ông cũng không loại trừ khả năng đồng yên có thể đạt 130 yên đổi 1 USD trong năm tới. Sự biến động đó có thể đến từ các động thái chính sách tiền tệ của BOJ, nhưng ông Abe không cho là BOJ sẽ sớm có động thái tăng lãi suất tiếp theo. Dù vậy, ông không loại trừ khả năng BOJ tiếp tục tăng lãi suất, xét tới số liệu tăng trưởng kinh tế quý 2 của Nhật Bản mạnh hơn dự báo và tiêu dùng ở khu vực tư nhân phục hồi tốt hơn kỳ vọng.

Ông Chung đưa ra một quan điểm khác: “Biến động tỷ giá đồng yên có lẽ đã lên tới đỉnh điểm trong năm nay, vì việc đảo ngược carry-trade đã hoàn tất một phần, và hành động của các ngân hàng trung ương sẽ không còn tạo thêm bất ngờ cho thị trường”.

Cả hai vị chuyên gia đều nhất trí rằng hướng đi của đồng yên trong thời gian tới sẽ tùy thuộc nhiều vào triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.


An Huy

Theo VnEconomy

undefined