Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Gói giải cứu bất động sản 70 tỷ USD của Trung Quốc “dậm chân tại chỗ”

12:00 | 23/08/2024

Số liệu chính thức từ PBOC cho thấy đến nay chương trình này mới chỉ giải ngân được 24 tỷ nhân dân tệ, một số con khiêm tốn so với quy mô toàn bộ chương trình cũng như nhu cầu vốn lớn để giải quyết lượng bất động sản tồn kho trên thị trường...

Vào tháng 5, Trung Quốc công bố chương trình hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Theo đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và một số ngân hàng quốc doanh lớn sẽ triển khai gói tín dụng lên tới 500 tỷ nhân dân tệ (70 tỷ USD), cho các chính quyền địa phương vay để mua lại nhà ế trên thị trường và chuyển đổi thành nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, số liệu chính thức từ PBOC cho thấy đến nay chương trình này mới chỉ giải ngân được 24 tỷ nhân dân tệ, một số con khiêm tốn so với quy mô toàn bộ chương trình cũng như nhu cầu vốn lớn để giải quyết lượng bất động sản tồn kho trên thị trường.

Theo tờ Financial Times, trước tình trạng “dậm chân tại chỗ” của chương trình giải cứu, PBOC đầu tháng này lên tiếng cam kết sẽ “đẩy nhanh” tiến độ giải ngân.

“Việc thực thi chương trình giải cứu đang bị nghẽn bởi các ngân hàng, chính quyền địa phương và các bên liên quan không thống nhất được giá bất động sản”, ông Lisheng Wang, nhà kinh tế về Trung Quốc tại ngân hàng Goldman Sachs, cho biết.

Tình trạng giải ngân chậm chạp diễn ra trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang chật vật tìm cách bình ổn thị trường bất động sản chìm trong khủng hoảng kéo dài. Điều này càng làm suy giảm niềm tin của người dân tại Trung Quốc, nơi bất động sản chiếm phần lớn tài sản của họ.

Trên thực tế, chương trình giải cứu thông qua hỗ trợ tín dụng của Bắc Kinh được đưa ra trong bối cảnh kinh tế đầy khó khăn. Thời gian qua, nhu cầu tín dụng tại nước này sụt giảm. Trong tháng 7, giá trị các khoản vay bằng nhân dân tệ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm xuống mức thấp nhất 15 năm, thấp hơn 88% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, giá nhà mới tính theo mỗi đơn vị diện tích trong tháng 6 đã giảm khoảng 50% so với cùng kỳ 3 năm trước, còn hoạt động khởi công xây dựng mới giảm 2/3 so với mức đỉnh vào đầu năm 2021 bất chấp nhiều biện pháp hỗ trợ từ nhà chức trách – theo ông Chen Long, nhà sáng lập công ty nghiên cứu Plenum.

Thị trường ban đầu tích cực đón nhận thông tin về gói giải cứu. Nhiều nhà phân tích cho rằng chính sách can thiệp thị trường bằng việc hỗ trợ các chính quyền địa phương mua lại nhà ế là một bước đi đúng hướng. Theo ước tính của ngân hàng Goldman Sachs, tồn kho nhà mới của Trung Quốc có thể đang ở mức cao gấp gần 30 lần so với doanh số hàng tháng hiện tại.

Với chương trình giải cứu trên, PBOC cam kết cung cấp tín dụng 300 tỷ nhân dân tệ, từ đó các ngân hàng có thể sử dụng để hỗ trợ tới 60% tiền gốc của các khoản vay. Điều này đồng nghĩa tổng giá trị gói tín dụng là khoảng 500 tỷ nhân dân tệ.

Theo báo cáo tiền tệ quý hai của PBOC mới đây, tính tới cuối tháng 6, tổng dư nợ từ gói tín dụng này mới chỉ đạt 24,7 tỷ nhân dân tệ. Tuy nhiên, theo Capital Economics, một phần của con số này đến từ một chương trình thử nghiệm bắt đầu từ tháng 2/2023 và được nhập vào gói giải cứu trên từ tháng 5. Do đó, con số giải ngân thực tế của gói giải cứu từ khi được công bố đến nay thậm chí còn thấp hơn nữa.

“Số tiền được giải ngân đến nay quá ít ỏi để có thể tạo ra thay đổi có ý nghĩa về nhu cầu bất động sản chung cũng như với tình hình tài chính của các công ty địa ốc”, hai nhà phân tích Zichun Huang và Julian Evans-Pritchard của Capital Economics, nhận xét.

Nhiều chương trình hỗ trợ ngành bất động sản cũng như một số ngành khác của Trung Quốc hiện cũng đang xảy ra tình trạng ì ạch tương tự, làm dấy lên hoài nghi về tính hiệu quả các chính sách kích thích của Bắc Kinh.

Theo các nhà phân tích, một trong những nguyên nhân cho tình trạng này là các ngân hàng tham gia chương trình phải “tự ra quyết định và tự chịu rủi ro”.

“Đối với các ngân hàng, rủi ro tín dụng xấu vẫn quá lớn”, ông Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie, nhận định. “Trong khi đó, doanh nghiệp của các chính quyền địa phương cũng không có động lực vay vốn trong bối cảnh lợi nhuận từ việc cho thuê nhà vẫn thấp”.

“Không có gì ngạc nhiên khi các chính quyền địa phương không mặn mà triển khai các dự án như thế này khi mà họ đang phải tập trung giải quyết gánh nợ hiện tại của mình”, bà bà Xiaoxi Zhang, nhà phân tích tại Gavekal Dragonomics, nhận xét. “Các nhà hoạch định chính sách có lẽ nên chờ thêm cho tới khi thị trường chạm đáy mà không cần can thiệp thêm”.

Tuy nhiên, nhà phân tích Wang của ngân hàng Goldman Sachs lại cho rằng các nhà chức trách cần thực thi quyết liệt và hiệu quả hơn các chính sách đã công bố, nhằm tạo điều kiện giải phóng tồn kho nhà ở trên thị trường, từ đó mới có thể tạo ra những thay đổi đáng kể.


Hoài Thu

Theo VnEconomy

undefined