chứng khoán
thông tin thương mại
- TỶ GIÁ NGOẠI TỆ
- TỶ GIÁ VÀNG
Người nghỉ hưu trước năm 1995 sẽ được tăng lương hưu ở mức cao hơn
12:00 | 14/06/2024
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung quy định về điều chỉnh mức tăng cao hơn đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, và người có mức lương hưu thấp. Đây là chính sách nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ...
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) chỉnh lý mới nhất đã bổ sung thêm nhiều quy định liên quan đến lương hưu, đặc biệt là chính sách đối với những người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp.
ĐIỀU CHỈNH MỨC CAO HƠN VỚI NGƯỜI CÓ LƯƠNG HƯU THẤP
So với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, tại Điều 73 của dự thảo Luật sau khi chỉnh lý về điều chỉnh lương hưu, quy định lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, bổ sung thêm một khoản, đó là điều chỉnh mức tăng cao hơn đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, và đối tượng có mức lương hưu thấp. Quy định này nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ. Chính phủ sẽ quy định thời điểm, đối tượng, mức điều chỉnh lương hưu.
Tại điều khoản chuyển tiếp, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định, người lao động có thời gian làm việc trong khu vực Nhà nước trước ngày 1/1/1995 được tính để hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định của Chính phủ.
Hằng năm, Nhà nước chuyển từ ngân sách một khoản kinh phí vào Quỹ Bảo hiểm xã hội để bảo đảm trả đủ lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trước ngày 1/1/1995.
Về vấn đề lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết với đặc thù của chính sách tiền lương giai đoạn trước năm 1995, cùng với các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội tại thời điểm đó, phần lớn người lao động nghỉ hưu, nghỉ việc theo chế độ mất sức lao động với thời gian làm việc ngắn, và mức tiền lương trước khi nghỉ việc thấp.
Từ đó ảnh hưởng đến mặt bằng chung về mức hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng của nhóm đối tượng này.
Ngoài ra, một số nhóm đối tượng đã dừng hưởng theo quy định, sau đó được Nhà nước ban hành chính sách cho tiếp tục hưởng trợ cấp hằng tháng từ nguồn ngân sách Nhà nước, nên mức hưởng khá thấp so với mặt bằng chung.
Trong khi đó, Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội cũng nêu rõ, lương hưu cơ bản được điều chỉnh chủ yếu dựa trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, khả năng của Quỹ Bảo hiểm xã hội và ngân sách Nhà nước.
Đồng thời, quan tâm điều chỉnh thỏa đáng đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp, và nghỉ hưu trước năm 1995, nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.
MỨC THAM CHIẾU ĐỂ TÍNH HƯỞNG LƯƠNG HƯU KHÔNG THẤP HƠN LƯƠNG CƠ SỞ
Về nguyên tắc bảo hiểm xã hội, mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng, và có sự chia sẻ giữa những người tham gia. Mức hưởng lương hưu tỷ lệ thuận mới mức đóng bảo hiểm xã hội, thời gian đóng. Nghĩa là mức đóng càng cao, thời gian đóng càng dài, thì mức hưởng lương hưu sẽ cao hơn.
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, mức hưởng lương hưu thấp nhất khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là bằng mức lương cơ sở. Hiện nay, mức lương cơ sở đang là 1,8 triệu đồng/tháng, do đó mức lương hưu thấp nhất là 1,8 triệu đồng.
Tuy nhiên, tới đây theo chủ trương của Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, lương cơ sở sẽ được bãi bỏ.
Vì vậy, tại dự thảo Luật mới nhất, Chính phủ cũng thống nhất trong khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở, thì mức tham chiếu quy định tại Luật này được áp dụng bằng mức lương cơ sở. Tại thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ, thì mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở.
Mức tham chiếu là mức tiền dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội trong Luật này.
Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xã hội. Chính phủ sẽ quy định chi tiết vấn đề này.
Về mức lương hưu hằng tháng, so với dự thảo trình Quốc hội, tại Điều 72 của dự thảo Luật đã bổ sung thêm quy định mức lương hưu đối với một số đối tượng đặc thù.
Đó là bổ sung thêm trường hợp người lao động thuộc một số nghề, công việc đặc biệt đặc thù trong lực lượng vũ trang do Chính phủ quy định. Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách nhà nước.
Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ ban hành quy định thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nam có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, mà bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành (1/7/2025), đến ngày 31/12/2029, bị tác động bất lợi hơn so với lao động nữ khi tính mức hưởng lương hưu. Nguồn kinh phí thực hiện do Quỹ Bảo hiểm xã hội bảo đảm.
Quy định này nhằm cải thiện hơn tỷ lệ hưởng lương hưu, và góp phần giảm bớt chênh lệch về tỷ lệ hưởng lương hưu so với lao động nữ có thời gian đóng tương ứng.
Theo dự thảo Luật, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm xã hội đối với lao động nam; 15 năm đóng bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%. Mức tối đa bằng 75%.
Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động là mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.
Trường hợp thời gian nghỉ hưu trước tuổi dưới 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu, từ đủ 6 tháng đến dưới 12 tháng thì giảm 1%. Chính phủ sẽ quy định chi tiết về mức hưởng và điều kiện hưởng lương hưu.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần đầu trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 10/2023. Dự thảo Luật tiếp tục được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV. Theo chương trình kỳ họp, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua luật vào ngày 25/6/2024, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Thu Hằng
Theo VNEconomy