Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ hết các nhóm lao động

12:00 | 06/09/2023

Nhiều trường hợp thuộc diện có quan hệ lao động, song chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Việc làm chưa bao phủ hết các nhóm này, khiến quyền lợi của người lao động ít nhiều bị ảnh hưởng…

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, sau 7 năm thực hiện Luật Việc làm, về cơ bản Luật đã quy định cụ thể đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, với việc mở rộng đối tượng so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 đã tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện, góp phần mở rộng diện bao phủ của chính sách, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động nói chung, người thất nghiệp nói riêng.

MỘT SỐ NHÓM ĐỐI TƯỢNG CHƯA ĐƯỢC HƯỞNG BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

Tuy nhiên, tổng kết Luật sau 7 năm, Bộ cho biết việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp đã bộc lộ nhiều hạn chế. Trước hết, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại Luật Việc làm chưa bao phủ hết tất cả đối tượng có quan hệ lao động.

Theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm thì đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là người lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hoặc xác định thời hạn từ 3 tháng trở lên.

Do đó, người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nhưng vẫn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong khi đây là đối tượng có nguy cơ mất việc làm cao.

Bên cạnh đó, Luật cũng chưa có quy định về trường hợp người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng có thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm thất nghiệp (theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thời gian này không phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc), gây khó khăn trong tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.

Ngoài ra, chưa có quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thông báo ngay cho cơ quan lao động, cơ quan Bảo hiểm xã hội về việc có việc làm của người lao động, nên xảy ra trường hợp người lao động đã có việc làm mà vẫn được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Luật cũng chưa có quy định về trường hợp người sử dụng lao động không có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về bảo hiểm thất nghiệp, như do gặp khó khăn về tài chính, phá sản, bị rút giấy phép kinh doanh, không có người đại diện theo pháp luật…, dẫn đến chậm đóng, thiếu đóng hoặc không có khả năng đóng đầy đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động), người lao động gặp khó khăn trong việc làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp do không đủ điều kiện về đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Luật Việc làm đã quy định 1 trường hợp bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tế có rất nhiều trường hợp bảo lưu khác chưa được quy định trong Luật.

Ví dụ, bảo lưu đối với tháng đóng chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, bảo lưu đối với người lao động được xác nhận bổ sung thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, bảo lưu đối với người lao động bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp…, từ đó ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

TẬP TRUNG VÀO KẾT NỐI, HỖ TRỢ VIỆC LÀM

Trước những thực tế trên, dự kiến sửa đổi Luật Việc làm tới đây, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung một số trường hợp được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Đồng thời, bổ sung các quy định về người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng không đóng bảo hiểm thất nghiệp tháng đó; bổ sung quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động phải thông báo ngay cho cơ quan lao động, cơ quan Bảo hiểm xã hội về việc có việc làm của người lao động.

Bên cạnh đó, sẽ bổ sung quy định việc xử lý đối với trưởng hợp người sử dụng lao động không có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo hiểm thất nghiệp…

Cho rằng một số quy định về bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Việc làm đã phát sinh những vướng mắc, TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho rằng, để việc thực hiện chính sách hiệu quả hơn, cần tăng cường tư vấn dịch vụ pháp lý cho người lao động; tiếp tục hoàn thiện Luật Việc làm; dùng kinh nghiệm quốc tế để có luật tiên tiến, tốt hơn. Từ đó, hình thành văn hoá tuân thủ, thực hiện pháp luật của người sử dụng lao động trước các biến cố của thị trường lao động.

Các chính sách hỗ trợ cũng cần đồng bộ hơn, đặc biệt cần tập trung vào chức năng cơ bản của Trung tâm giới thiệu việc làm là giới thiệu, kết nối việc làm.

Về chính sách hỗ trợ học nghề cần cụ thể hơn, nâng mức hỗ trợ này lên. “Các Trung tâm Dịch vụ việc làm cần liên kết với hệ thống đào tạo nghề, các trường nghề hỗ trợ người lao động học nghề, xem đây trở thành cơ hội để họ được nâng cao tay nghề, cải thiện trình độ trong lúc thất nghiệp. Hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm cần thực hiện tốt hơn vai trò đào tạo, tư vấn, hỗ trợ việc làm”, bà Hương nhấn mạnh.


Nhật Dương

Theo VnEconomy

undefined