Xã hội

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân để thiếu điện

12:00 | 18/08/2023

Giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng đồng loạt tăng, tình trạng “té nước theo mưa”, “ăn theo” tiền lương tăng, giá điện, nước tăng, khiến cuộc sống của người lao động thêm khó khăn, chật vật.

Trong bối cảnh hàng hóa liên tục tăng giá như hiện nay, nhiều người tiêu dùng rất lo lắng, bởi không chỉ giá thực phẩm tăng mà các hàng hóa tiêu dùng khác cũng trong tình trạng “leo thang”. Để chống chọi với cơn “bão giá” thực phẩm, nhiều bà nội trợ phải tính toán thắt chặt chi tiêu, cắt giảm những khoản tiêu dùng không cần thiết.

“Trước khi đi chợ, tôi phải ghi ra giấy những thứ cần mua, nhiều mặt hàng tăng giá như hiện nay, tôi phải tiết kiệm đến mức tối đa. Nếu như trước đây, mỗi buổi đi chợ tôi chi tiêu hết 160.000 đồng thì bây giờ cái gì cũng đắt đỏ, tôi phải chi 200.000 đồng mới mua đủ thức ăn cho gia đình trong 1 ngày. Để không rơi vào tình trạng “lạm phát” quá nhiều, tôi chỉ còn cách mua thịt ít hơn, mỗi bữa cơm ăn kèm thêm rau, đậu, lạc nhiều hơn”, bà Nguyễn Hồng Thái (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

"Vợ chồng tôi là lao động tự do, thu nhập không ổn định, trung bình mỗi tháng từ 10-12 triệu đồng. Nhà tôi có 2 con nhỏ 4 tuổi và 8 tuổi, chi phí 1 ngày bao gồm cả tiền thức ăn cho cả nhà, tiền sữa, hoa quả cho con khoảng 180.000 đồng. Gần đây, giá cả mọi thứ tăng cao quá nên tôi phải chi thêm 20.000-30.000 đồng. Như vậy, 1 tháng “đội” lên khoảng gần 1 triệu đồng. Ngoài ra còn tiền điện, nước tăng, tiền thuê nhà cũng tăng. Với mức thu nhập khiêm tốn của cả hai vợ chồng, mọi chi tiêu tôi  đều phải tính toán kỹ càng. Trước đà tăng của các mặt hàng như hiện nay, tôi rất lo lắng và phải tính tới phương án gửi 1 bé về quê nhờ ông bà nuôi”, chị Đinh Hồng Hạnh (Trần Phú, Hà Đông) buồn rầu cho biết.

Cơn “bão giá” không chỉ khiến các bà nội trợ lo lắng mà các tiểu thương, kinh doanh buôn bán cũng phải thở dài vì hàng hóa ế ẩm, không tiêu thụ được.

Đã quá giờ trưa mà sạp hàng bán quần áo của chị Nguyễn Thu Hồng (tiểu thương chợ Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn không có khách ghé mua. Chợ luôn trong tình trạng vắng khách, người bán nhiều hơn người mua. Theo chị Hồng, do điều kiện kinh tế khó khăn nên người dân cắt giảm chi tiêu, lượng hàng chị bán ra cũng giảm tới 2/3 so với trước đây. 8h sáng chị mở cửa hàng, có khi đến chiều mới có khách “mở hàng”. Có ngày còn không bán được mặt hàng nào.

Do buôn bán ế ẩm nên cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của gia đình chị cũng bị ảnh hưởng. Như nhiều bà nội trợ khác, chị Hồng cũng phải tính toán và cắt giảm chi tiêu trong sinh hoạt hàng ngày.

“Hàng bán chậm, thu nhập hàng tháng giảm đi trong khi thực phẩm và giá nhiều mặt hàng thiết yếu khác lại tăng thêm, điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt trong gia đình tôi. Bây giờ ra chợ từ thịt, cá đến rau, củ, quả đều tăng từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng. 2-3 ngày ra chợ lại thấy giá cả mọi thứ tăng lên một chút, ví dụ, một bó rau muống giá 8.000 đồng, bây giờ đã lên 10.000 đồng. 1 quả trứng trước đó giá 3.000 đồng, nay tăng lên 3.400 đồng. Do đó, tôi phải cân nhắc và tính toán rất kỹ trước khi đi chợ”, chị Hồng nói.

Đề cập đến vấn đề giá cả tăng cao trong thời gian gần đây, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú bày tỏ quan điểm, có một số yếu tố khách quan dẫn đến việc tăng giá hàng hóa như, việc tăng giá điện, giá nước, giá sách giáo khoa, học phí, giá cước hàng không, ăn uống theo mùa du lịch. Điều đáng nói là trên thị trường, đầu vào của sản xuất kinh doanh dịch vụ hầu hết có xu hướng giảm, thế nhưng nhiều người vẫn tìm mọi cách để tăng giá bất hợp lý nhằm thu lợi nhuận tối đa, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Việc làm chưa đúng đắn trên của một bộ phận doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ trên thị trường cho thấy, nếu không kiểm soát được tình hình và giá cả tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu thì chắc chắn sẽ kìm hãm sự phát triển của sản xuất và kìm hãm sức mua trong nước.

Theo ông Phú, hiện nay, nhà nước chỉ quản lý giá một số danh mục mặt hàng rất thiết yếu như xăng, dầu, điện, bưu điện, đường sắt, trong khi trên thị trường còn có hàng nghìn mặt hàng, nhóm hàng hoạt động mua bán theo cơ chế thị trường thuận mua vừa bán mà nhiều gia đình vẫn có nhu cầu tiêu dùng, sử dụng mua sắm. Do đó, cần có giải pháp và các quy định để quản lý giá những mặt hàng này thường xuyên hoặc quản lý giá theo từng giai đoạn khi giá tăng vô lý, đột biến.

Trước tình hình giá cả của một số mặt hàng tăng cao, dư luận xã hội và người tiêu dùng đặt câu hỏi, hàng hóa sản xuất trong nước cộng với hàng nhập khẩu, nhất là nhóm hàng nông sản thực phẩm khá dồi dào, đủ sức cho thị trường nội địa và xuất khẩu đi các nước với khối lượng lớn nhưng vì sao lĩnh vực giá cả vẫn chưa ổn định, gây bất lợi cho thị trường trong nước và đời sống của người dân? Cần làm gì để giải quyết vấn đề này?

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đề xuất một số giải pháp, đó là, cần cho phép các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, Cục quản lý giá bộ Tài chính, có quyền yêu cầu đơn vị có biểu hiện tăng giá vô lý, đột biến không có cơ sở phải kê khai giá. Nếu thu lợi nhuận quá mức, hơn cả người sản xuất thì yêu cầu hạ giá xuống hoặc áp đặt giá trần nếu thấy một số loại hàng hóa tăng giá gây thiệt hại lớn cho xã hội tiêu dùng ở những thời điểm nhất định.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất hàng hóa trong nước; tổ chức lưu thông phân phối dễ dàng cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; liên kết chặt chẽ trong các chuỗi cung ứng, giảm bớt trung gian bất hợp lý, chống độc quyền mua, độc quyền bán, ép chiết khấu cao vô lý khi người sản xuất đưa hàng vào bán đại lý tại các trung tâm thương mại, siêu thị có biểu hiện thống lĩnh thị trường và độc quyền.

Cuối cùng, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, câu chuyện giá cả cần có sự góp sức ủng hộ của cả hệ thống chính trị, các hiệp hội, ngành hàng, ngành nghề để tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở những cá nhân, doanh nghiệp chỉ vì chạy theo lợi nhuận mà gây khó khăn cho người dân và làm lũng đoạn thị trường.



undefined