Kinh doanh

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Thị trường Công nghệ giáo dục Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

12:00 | 01/12/2020

Bên cạnh sự gia tăng của các startup, các nhà đầu tư nội vào lĩnh vực giáo dục trực tuyến và công nghệ giáo dục tại Việt Nam, thị trường này cũng đang chứng kiến một làn sóng mới từ các nhà đầu tư nước ngoài.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG GIÁO DỤC
Trong Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Thực hiện Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của ngành Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện đã có hơn 7.000 bài giảng E-learning (đào tạo trực tuyến) và gần 200 đầu sách giáo khoa được số hóa và chia sẻ trên internet.
Theo báo cáo của Edtech UK, London & Partners, năm 2020, mức đầu tư cho ngành công nghệ giáo dục toàn cầu dự kiến khoảng 129 tỷ Bảng Anh. Trong đó, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ chiếm 54% thị trường công nghệ giáo dục (Edutech).
Việt Nam được đánh giá nằm trong top 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng E-learning lớn nhất thế giới với tỷ lệ tăng trưởng 44,3% trong năm 2018. Theo đánh giá của KEN RESEARCH, thị trường Edutech của Việt Nam có thể đạt giá trị 3 tỷ USD vào năm 2023.
Thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam hiện đang ở mức xấp xỉ 2.800 USD và ngày một tăng lên. Đồng thời mức chi tiêu trung bình cho giáo dục hiện nay là 40% tổng thu nhập, người Việt Nam chắc chắn sẽ còn tiếp tục đầu tư vào các chương trình giáo dục nhiều hơn nữa trong tương lai.
Có thể nói, đây chính là cơ hội mà các doanh nghiệp lĩnh vực giáo dục cần nắm bắt để đưa ra nhiều giải pháp học tập thông minh, tiện lợi nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của người dùng Việt.
Việc ứng dụng công nghệ số trong giáo dục tại Việt Nam đã trở nên thiết thực hơn khi đại dịch Covid-19 xảy ra, hình thức dạy học trực tuyến được áp dụng phổ biến giúp việc học vừa không bị "đứt gãy" vừa đảm bảo mục tiêu phòng chống dịch.
Trong giai đoạn dịch Covid-19, gần 80% học sinh, sinh viên Việt Nam học trực tuyến, Việt Nam được xếp thứ 17/200 quốc gia kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin ứng phó với đại dịch.
Với 24 triệu học sinh, sinh viên, hơn 90% học sinh, sinh viên sử dụng điện thoại di động, máy tính hoặc laptop để phục vụ học tập, đây được xem là một thị trường rất tiềm năng cho E-learning hay Edutech.
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) nhìn nhận, chuyển đổi số là một yếu tố không mới nhưng là yếu tố quyết định đóng góp vào sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam.
VIỆT NAM ĐANG HẤP DẪN CÁC DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC NGOẠI

Trao đổi với Nhịp sống doanh nghiệp BizLIVE bên lề Diễn đàn Giáo dục và Triển lãm học đường với chủ đề “Phát triển Giáo dục 4.0 phù hợp với thực tiễn Việt Nam” (Edu 4.0) mới đây, ông Suh Seong Min, Giám đốc Văn phòng đại diện Trung tâm hỗ trợ CNTT Hàn Quốc tại Hà Nội cho rằng: “Sự quan tâm của thị trường Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục rất lớn, đặc biệt là giai đoạn trong và sau cao điểm của đại dịch Covid-19, khi mà các nền tảng cũng như nội dung trực tuyến ngày càng phát triển”.

Ông Suh Seong Min cho biết, đến với Edu 4.0, Hàn Quốc có 6 doanh nghiệp về công nghệ giáo dục với các nền tảng giáo dục trực tuyến, sáng tạo nội dung học tập, công cụ cụ hỗ trợ và khơi gợi hứng thú học tập cho trẻ em tham gia. Đồng thời, ông bày tỏ kỳ vọng những sự kiện như thế này sẽ giúp phát triển khả năng hợp tác giữa doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam.

Trước câu hỏi đánh giá về tương quan giữa các doanh nghiệp Edutech của Việt Nam và Hàn Quốc, ông Suh Seong Min đánh giá, các doanh nghiệp trong nước đang được có ưu thế nhiều hơn.

“Các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế hơn vì họ đã hiểu rõ hơn về thị trường, đặc tính của người tiêu dùng Việt Nam". vị này nhận định.

Tuy nhiên, ông Suh Seong Min cũng cho biết, các doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn có lợi thế nhất định nhờ nền tảng công nghệ hiện đại. Những công nghệ của phía Hàn Quốc không chỉ được công nhận tại nước này mà còn ở nhiều nước trên thế giới.

Theo ông Suh Seong Min, lúc này các doanh nghiệp công nghệ giáo dục Hàn Quốc mới chỉ ở giai đoạn tìm hiểu, khảo sát thị trường Việt Nam nên vẫn cần nhiều thời gian để họ hiểu người dùng trong nước cần gì.

Nhưng qua quan sát, Văn phòng đại diện Trung tâm hỗ trợ CNTT Hàn Quốc tại Hà Nội nhận định Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng trong mảng nội dung giáo dục trực tuyến. Cụ thể là các chương trình đạo tạo ngoại ngữ như tiếng Hàn, tiếng Anh và đây có thể là cơ hội cho các doanh nghiệp Hàn Quốc tiến vào thị trường.

Hiện tại Cục xúc tiến CNTT Hàn Quốc đang xúc tiến hỗ trợ các doanh nghiệp tiến vào thị trường Mỹ, Úc, Đông Nam Á, đặc biệt là khi chính phủ Hàn Quốc có chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế mới.

Cũng theo ông Suh Seong Min: “Ở mỗi thị trường có một đặc điểm khác nhau, do đó Việt Nam cũng có sự khác biệt so với Mỹ hay châu Âu. Nếu áp dụng những thành công trước đây thì sẽ khó khăn vì tính địa phương hóa của Việt Nam rất cao. Nhưng để nói về chiến lược xâm nhập thị trường Việt Nam, chúng tôi định hướng các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ tiến vào Việt Nam không như một đối thủ cạnh tranh mà sẽ hợp tác tích cực để tạo ra nền tảng dịch vụ tối ưu cung cấp cho người dùng”.

Số lượng doanh nghiệp chọn lĩnh vực giáo dục để khởi nghiệp (startup) đang tăng mạnh trong thời gian qua. Theo thống kê, hiện có hơn 100 startup khai thác tiềm năng của thị trường này và khoảng trên 2 triệu người đang tham gia các chương trình học qua mạng.
Bên cạnh sự gia tăng số lượng startup, lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng chứng kiến hàng chục thương vụ M&A thành công. Có thể kể đến thương vụ Công ty Du lịch Vietravel tuyên bố sở hữu 66% cổ phần của Trường Cao đẳng Quốc tế Kent, CTCP Đầu tư Phát triển Giáo dục Hutech mua lại Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF) với giá hơn 100 tỷ đồng, CTCPP Phát triển Hùng Hậu mua lại Đại học Văn Hiến với giá khoảng 60 tỷ đồng...
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 9 tháng năm 2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt 78,89 triệu USD, tăng gần 58% so với cùng kỳ năm trước.Trong đó, vốn góp và mua cổ phần của đầu tư nước ngoài vào giáo dục, đạt 51,41 triệu USD, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Năm ngoái, lĩnh vực khởi nghiệp giáo dục ghi nhận một số thỏa thuận đã đạt được bao gồm quỹ Navis Capital Partners Limited mua lại nền tảng giáo dục Thanh Thanh Cong Education, hay Kaizen Private Equity rót 10 triệu USD vào Yola. Topica đầu tư 3,5 triệu USD vào startup giáo dục Kidtopi…

TUẤN VIỆT

Theo Bizlive

undefined