Tin tức

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Đề xuất nhiều giải pháp xanh trong phòng chống sụt trượt bờ dốc

12:00 | 07/09/2019

“Phủ xanh tất cả các bề mặt bờ dốc đào và đắp cho các công trình xây dựng trong tương lai nhằm tạo cảnh quan sinh thái và giữ ổn định chống xói cho các bờ dốc” là nội dung chính của Hội thảo “Ứng dụng giải pháp xanh trong phòng chống sụt trượt bờ dốc” do Trường Đại học Giao thông Vận tải tổ chức ngày 6/9, tại Hà Nội.

Thi công phòng chống sụt trượt theo công nghệ xanh

Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia và cán bộ kỹ thuật giàu kinh nghiệm về lĩnh vực xây dựng, về bảo vệ bờ dốc, thiết kế công trình giao thông, và địa kỹ thuật môi trường đến từ Bộ Giao thông Vận tải, trường đại học, viện nghiên cứu, hội chuyên ngành cùng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế và xây dựng.  Hội thảo hướng tới thống nhất việc giảm thiểu can thiệp sâu vào các yếu tố tự nhiên, giảm thiểu đào đắp đất đá quy mô lớn khi xây dựng các công trình hạ tầng. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc phủ xanh tất cả các bề mặt bờ dốc đào và đắp cho các công trình xây dựng trong tương lai, không chỉ tạo cảnh quan sinh thái mà đóng vai trò quan trọng trong việc giữ ổn định chống xói cho các bờ dốc.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đức Mạnh, Trưởng Bộ môn Địa kỹ thuật (Trường Đại học Giao thông Vận tải) nhấn mạnh, sụt trượt bờ dốc hay sườn dốc những năm gần đây không chỉ xảy ra phổ biến trên các tuyến đường giao thông, các khu dân cư, khu vực xây dựng các thủy điện hay khai thác mỏ ở vùng núi, mà còn ngay cả các công trình thủy lợi hay bờ sông ở đồng bằng của nước ta. Sụt trượt đất đá đã gây thiệt hại lớn về tiền, tài sản  và cả tính mạng con người, điển hình như vụ trượt đất qui mô lớn tại Xóm Khanh ngày 12/10/2017 đã cướp đi sinh mạng của 18 người. Vì vậy, ngay cả với những nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), hiện nay trượt lở đất đá vẫn đang là một trong những mối lo, có tính thời sự và được quan tâm nghiên cứu.

“Với các công trình giao thông ở vùng núi Việt Nam, vấn đề sụt trượt bờ dốc không chỉ thường xuyên diễn ra trên các tuyến đường đang khai thác như QL4D, QL12, QL279, QL34…, mà còn rất phổ biến trên các đường cao tốc mới xây dựng hay đang xây dựng như Nội Bài – Lào Cai, Thái Nguyên – Chợ Mới, Hạ Long – Vân Đồn, Bắc Giang – Lạng Sơn, La Sơn – Túy Loan … Hiện tượng sụt trượt đất đá này, không chỉ phụ thuộc vào địa hình và đặc điểm địa chất của bờ dốc, mà còn bị chi phối nhiều bởi yếu tố nước ngầm, nước trên mặt của bờ dốc và đặc biệt là hoạt động kinh tế - kỹ thuật của con người. Mà trong đó lớp phủ thực vật đóng vai trò quan trọng để điều tiết dòng nước trên mặt dốc, chống xói mòn đất đá trên mặt bờ dốc. Nói cách khác, việc che phủ thực vật hay trồng cỏ trên bề mặt bờ dốc không chỉ có vai trò tạo cảnh quan sinh thái và bảo vệ môi trường, mà còn còn góp phần chống xói và chống trượt cho bờ dốc nói chung”, PGS.TS Nguyễn Đức Mạnh nêu rõ.

Bảo vệ bờ dốc trên đường giao thông ở Yamaguchi, Nhật Bản luôn gắn với bảo vệ sinh thái để phát triển bền vững

Tại Hội thảo, các đại biểu nghe đại diện Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển hạ tầng ATV Việt Nam, đơn vị tiên phong với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực gia cố và bảo vệ bờ dốc nền đường đào tại Việt Nam chia sẻ công nghệ trồng cỏ bảo vệ mái dốc bằng phương pháp phun hỗn hợp đất và hạt cỏ trong điều kiện địa chất ít thuận lợi; đại diện Công ty cổ phần sản xuất đầu tư xây dựng Hưng Việt đã giới thiệu về phương pháp “Ổn định bờ dốc bằng giải pháp tường chắn đất có cốt và mái nghiêng ô Geocell kết hợp phủ xanh bề mặt bằng thảm thực vật”…  Các nhà khoa học, chuyên gia và cán bộ kỹ thuật đã cùng chia sẻ, phân tích, trao đổi và thảo luận để làm rõ hơn về hiệu quả thực tiễn cũng như các hiệu ứng môi trường của các giải pháp xanh khi áp dụng trong thực tế.Theo các đại biểu, đây là xu thế tất yếu của các nước trên thế giới và Việt Nam cũng sẽ phải triển khai áp dụng dần các giải pháp xanh, hướng đến những bờ dốc có thảm thực vật, bảo vệ môi trường, hài hòa với cảnh quan và hệ sinh thái xung quanh./.

Bích Thuỷ

undefined