Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ chạm đáy 17 tháng. Ảnh: AFP/TTXVN
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong tuần này tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong 17 tháng do đồng rupee giảm giá xuống mức kỷ lục, còn nhu cầu tại các thị trường chủ chốt vẫn trầm lắng trong kỳ nghỉ lễ.
Theo đó, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức 439-445 USD/tấn trong tuần này, giảm so với mức 440-446 USD/tấn của tuần trước. Trong khi đó, gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức 446-453 USD/tấn.
Một đại lý có trụ sở tại New Delhi thuộc một công ty thương mại toàn cầu cho biết các nhà xuất khẩu trong tuần này đã điều chỉnh giá vì cân nhắc đến xu hướng suy giảm của đồng rupee. Nhu cầu cũng yếu do ảnh hưởng của kỳ nghỉ lễ Giáng sinh.
Giá gạo tại Thái Lan và Việt Nam cũng giảm do hoạt động giao dịch chậm lại trong kỳ nghỉ lễ.
Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Thái Lan được báo giá ở mức 502 USD/tấn, giảm so với mức 512 USD/tấn của tuần trước.
Một thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho biết tình hình nguồn cung hiện tại vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, các thương nhân Thái Lan dự kiến giá sẽ giảm thêm sau dịp lễ Năm mới do nguồn cung gạo toàn cầu từ Ấn Độ gia tăng.
Tương tự, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 405 USD/tấn, giảm so với mức 495-508 USD/tấn của tuần trước. Một thương nhân có trụ sở tại tỉnh An Giang cho biết doanh số bán hàng trong nước cũng thấp do nguồn cung từ vụ Thu Đông đang cạn dần.
Việt Nam dự kiến hoạt động xuất khẩu gạo năm 2025 sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn khi lượng hàng từ Ấn Độ gia tăng, bên cạnh nỗ lực cắt giảm nhập khẩu của Indonesia.
Thị trường nông sản Mỹ
Trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago ngày 26/12, giá đậu tương kỳ hạn đã tăng 1% do lo ngại về thời tiết khô hạn ở một số khu vực của Argentina.
Theo đó, giá đậu tương kỳ hạn tháng 3/2025 trên Sàn giao dịch Chicago (CBOT) đóng cửa tăng 16 xu (tương đương 1,6%) lên mức 9,97 USD/bushel. Giá lúa mì cùng kỳ hạn tăng 6,25 xu lên mức 5,41 USD/bushel. Giá ngô kỳ hạn tháng 3/2025 cũng tiến hơn 5 xu (1,2%) lên 4,53-4,75 USD/bushel.
Triển vọng thời tiết khô hạn tại Argentina, nhà xuất khẩu khô đậu tương và dầu đậu nành lớn nhất thế giới, đã tạo động lực hỗ trợ cho thị trường đậu tương.