Quan sát

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Triển vọng lãi suất Fed bấp bênh, các ngân hàng trung ương châu Á lúng túng

12:00 | 11/04/2024

Việc Fed không hạ lãi suất năm nay có thể là một “đòn giáng” lớn đối với châu Á, khu vực chịu tác động lớn bởi sự thay đổi chính sách ở Mỹ...

Các nhà hoạch định chính sách ở châu Á bước sang năm 2024 với dự báo chắc chắn rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất cơ bản vài lần trong năm nay. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ khỏe mạnh hơn dự báo đã khiến giới chuyên gia mất dần hy vọng Fed sẽ hạ lãi suất nhanh trong năm nay.

Báo cáo của Cục Thống kê Lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ tuần trước cho thấy tăng trưởng việc làm mạnh mẽ tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. Điều này cộng với việc lạm phát tăng trở lại vào tháng 2 là nguyên nhân khiến một số chuyên gia cho rằng Fed có thể duy trì mức lãi suất hiện tại cho tới năm 2025. Mọi sự quan tâm đang đổ dồn vào báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 để có thêm cơ sở cho các dự báo.

Theo tờ báo Nikkei Asia, việc Fed không hạ lãi suất năm nay có thể là một “đòn giáng” lớn đối với châu Á, khu vực chịu tác động lớn bởi sự thay đổi chính sách ở Mỹ.

“Ở châu Á, một trong những điều được quan tâm nhất lúc này là khi nào Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ hạ lãi suất và hạ bao nhiêu. Tuy nhiên, câu trả lời nằm ở Fed tại Washington chứ không phải ở PBOC tại Bắc Kinh. Bởi các nhà hoạch định chính sách biết rằng, việc Fed duy trì chính sách lãi suất cao trong thời gian dài có thể khiến các ngân hàng trung ương khác khó đi đến quyết định hạ lãi suất mà không khiến đồng nội tệ mất giá mạnh so với USD”, nhà phân tích William Pesek của Nikkei Asia, cũng là tác giả cuốn sách "Japanization: What the World Can Learn from Japan's Lost Decades" (tạm dịch: Nhật Bản hóa: Thế giới có thể học gì từ thập kỷ lạc lối của Nhật), chỉ ra.

Theo ông Pesek, với Trung Quốc, việc đồng nội tệ mất giá là một rủi ro đặc biệt lớn. Bởi lẽ, đồng nhân dân tệ suy yếu có thể khiến các công ty bất động sản vốn đang chìm trong khủng hoảng nợ gặp khó khăn hơn trong việc thanh toán trái phiếu quốc tế và có thể dẫn tới một làn sóng phá sản mới.

Sự bất định xoay quanh kế hoạch điều chỉnh chính sách tiền tệ ở Mỹ cũng khiến các ngân hàng trung ương khác ở châu Á đang có ý định hạ lãi suất “đau đầu”. Theo ông Pesek, nỗi lo đồng nội tệ suy yếu có thể đẩy dòng vốn đầu tư chảy ra khỏi đất nước, khiến thị trường chứng khoán lao đốc và đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ tăng lên… đang làm đảo lộn kế hoạch ban đầu của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ châu Á.

Một khảo sát của hãng tin Reuters tuần trước cho thấy các nhà đầu tư đang ngày càng tin rằng tiền tệ của các nước châu Á mới nổi sẽ giảm so vói USD. Các giao dịch đặt cược vào sự mất giá của đồng baht Thái Lan đang ở mức cao nhất kể từ tháng 10/2022. Các giao dịch tương tự với đồng rupiah của Indonesia, won Hàn Quốc và đôla Đài Loan cũng đang tăng lên.

Trong khi đó, đồng ringgit của Malaysia vừa trải qua quý đầu năm đầy sóng gió, khi giao dịch sát mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998. Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) giữ nguyên mức lãi suất hiện hành để tránh gây thêm áp lực cho đồng nội tệ, bất chấp việc này làm tăng rủi ro suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Vào cuối tháng 2, Thủ tướng Anwar Ibrahim, người từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính Malaysia vào cuối những năm 1990, cho biết tỷ giá hối đoái vẫn “ở trong tầm kiểm soát”, nhưng nhấn mạnh rằng sự giảm giá của đồng ringgit so với USD “là đáng quan ngại và BNM đang tiếp tục theo dõi vấn đề này”.

Tình hình tương tự cũng đang diễn ra ở Tokyo khi đồng yên đang giao dịch ở mức thấp nhất so với USD kể từ năm 1990. Điều này làm dấy lên một mối lo ngại thường trực rằng Trung Quốc cũng có thể ghìm giá đồng nội tệ xuống thấp hơn nữa để thúc đẩy xuất khẩu và giải quyết giảm phát, bất chấp việc này có thể gây ra làn sóng phá sản trên thị trường bất động sản và biến động lớn trên thị trường tài chính.

“Nếu bạn là Chính phủ Trung Quốc, bạn có thể nghĩ rằng mức giảm 7,6% của đồng yên từ đầu năm đến nay là một bối cảnh địa chính trị phù hợp để đưa đồng nhân dân tệ giảm xuống theo. Làm sao Bộ Tài chính Mỹ có thẻ gắn nhãn Trung Quốc là ‘quốc gia thao túng tiền tệ’ được khi mà điều tương tự cũng đang xảy ra ở Nhật – một đồng minh của Mỹ?”, ông Pesek chỉ ra.

Trên thực tế, kể từ sau những năm 1990, hệ thống tài chính tại châu Á nhìn chung đã được cải thiện mạnh mẽ. Các ngân hàng trở nên minh bạch hơn còn các chính phủ tích lũy dự trữ ngoại hối khổng lồ. Tuy nhiên, khu vực này vẫn phụ thuộc lớn vào đồng USD, đặc biệt trong bối cảnh phần lớn các nền kinh tế ở châu Á phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu để tăng trưởng.

“Cũng giống như trước đây, đồng USD giống như một thỏi nam châm siêu khổng lồ hút dòng tiền về Mỹ từ mọi hướng. Một lý do cho việc này là sức mạnh ấn tượng của nền kinh tế Mỹ, bất chấp những dự báo về một cuộc suy thoái kể từ năm 2022 đến nay”, ông Pesek phân tích.

Một lý do khác là sự chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và trái phiếu chính phủ của các nước châu Á. Chênh lệch càng lớn thì ngân hàng trung ương của các quốc gia mới nổi châu Á càng khó duy trì được sự ổn định của thị trường tài chính trong nước.

Do đó, ông Pesek cho rằng ngân hàng trung ương các nước châu Á đang đứng trước những rủi ro bất định.

“Điều gì sẽ xảy ra nếu Fed mắc sai lầm như trước năm 2007 khi trì hoãn quá lâu việc hạ lãi suất? Khi đó, thị trường tín dụng trì trệ quá lâu cộng với cú sốc Lehman Brothers năm 2008, đã quá muộn để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng”, vị chuyên gia của Nikkei Asia chỉ ra.


Ngọc Trang

Theo VnEconomy

undefined