Chính sách

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Luật hóa chức năng nguồn nước

12:00 | 29/09/2022

Tại dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất quy định về chức năng nguồn nước theo hướng quy định bổ sung chức năng nguồn nước và phân vùng chức năng nguồn nước.


Cụ thể, theo dự thảo, chức năng nguồn nước và việc phân vùng chức năng nguồn nước được xác định trong quy hoạch tổng hợp lưu vực sông, quy hoạch tỉnh làm cơ sở để thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ nguồn nước. Trường hợp nguồn nước chưa được xác định chức năng thì căn cứ vào hiện trạng, nhu cầu khai thác, sử dụng nước và khả năng đáp ứng của nguồn nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định chức năng và phân vùng chức năng đối với nguồn nước liên tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xác định chức năng và phân vùng chức năng đối với nguồn nước nội tỉnh.

Vùng chức năng nguồn nước có thể bao gồm nhiều mục đích sử dụng. Việc quản lý, bảo vệ nguồn nước phải ưu tiên mục đích sử dụng ứng với yêu cầu bảo vệ chất lượng nước cao nhất.

Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước không được làm ảnh hưởng đến chức năng nguồn nước.

Hành lang bảo vệ nguồn nước

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung vào Điều 26 của dự thảo về Hành lang bảo vệ nguồn nước theo hướng quy định Nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và quy định hành lang bảo vệ nguồn nước được lập để thực hiện các chức năng.

Theo đó, hành lang bảo vệ nguồn nước được lập để thực hiện các chức năng sau đây:

a- Bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước;

b- Phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước;

c- Bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước;

d- Tạo không gian cho các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, bảo tồn và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch, tín ngưỡng liên quan đến nguồn nước.

Nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ bao gồm:

1- Hồ chứa thủy điện, thủy lợi và các hồ chứa nước khác;

2- Hồ tự nhiên, nhân tạo ở các đô thị, khu dân cư tập trung; hồ, ao lớn có chức năng điều hòa ở các khu vực khác; đầm, phá tự nhiên;

3- Sông, suối, kênh, rạch, hồ, ao là nguồn cấp nước, trục tiêu nước, hoặc có tầm quan trọng đối với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường;

4- Các nguồn nước liên quan đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, có giá trị cao về đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa và bảo vệ, phát triển hệ sinh thái tự nhiên.

Dự thảo nêu rõ, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sinh sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước phải bảo đảm không ảnh hưởng đến chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước.

Tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa quy định tại điểm (1) nêu trên có trách nhiệm cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định và bàn giao mốc giới cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có hồ chứa để quản lý, bảo vệ.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước quy định tại các điểm (2, 3 và 4) nêu trên.

Chính phủ quy định cụ thể việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.

 

Tuệ Văn

Theo VGP



undefined