Nghiên cứu

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Tiêu điểm Nam Á 6 tháng đầu năm 2024: Bầu cử và Bất ổn

12:00 | 05/09/2024

1. Bầu cử quốc hội và tái định hình hệ thống chính trị ở các nước Nam Á



Năm 2024 tất cả các quốc gia Nam Á, ngoại trừ Afghanistan, đồng loạt tổ chức các cuộc tổng tuyển cử quan trọng nhằm quyết định đảng cầm quyền và người lãnh đạo cao nhất trong chính phủ, đặt nền tảng cho những thay đổi lớn về chính trị trong khu vực.

Tháng 1: Bhutan: Cuộc bầu cử tại Bhutan là sự cạnh tranh giữa hai đảng lớn: Đảng Hòa bình và Thịnh vượng Bhutan (DPT) và Đảng Nhân dân Dân chủ (PDP). DPT giành được đa số ghế trong Quốc hội, tiếp tục nắm giữ vai trò lãnh đạo chính phủ.

Tháng 1: Bangladesh: Mặc dù chính phủ Bangladesh đã công bố các cải cách nhằm cải thiện tính minh bạch và công bằng trong bầu cử, kết quả vẫn dẫn đến các xung đột chính trị. Đảng Liên đoàn Awami (AL) của Thủ tướng Sheikh Hasina giành được hơn 70% tổng số ghế, đảm bảo quyền kiểm soát tiếp tục của AL, nhưng cũng làm gia tăng căng thẳng chính trị.

Tháng 2, 3: Pakistan: Bầu cử diễn ra trong bối cảnh an ninh phức tạp, với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu chỉ đạt 48%. Không đảng nào giành được đa số ghế, dẫn đến việc phải thành lập chính phủ liên minh. Điều này làm phức tạp hóa quá trình thành lập chính phủ mới và có thể gây ra sự không ổn định chính trị, ảnh hưởng tiêu cực đến phục hồi kinh tế.

Tháng 3: Nepal: Cuộc bầu cử quốc hội tại Nepal chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa các đảng phái, dẫn đến một quốc hội phân mảnh. Không đảng nào đạt được đa số tuyệt đối, buộc các đảng lớn phải thương lượng và hình thành các liên minh để thành lập chính phủ.

Tháng 3: Maldives: Bầu cử quốc hội tại Maldives diễn ra với sự cạnh tranh quyết liệt giữa Đảng Dân chủ Maldives (MDP) và Đảng Tiến bộ Maldives (PPM). MDP giành được đa số ghế trong Quốc hội, củng cố vị thế của mình trên chính trường.

Tháng 4: Ấn Độ: Cuộc bầu cử tại Ấn Độ đã diễn ra thuận lợi nhưng với kết quả bất ngờ. Đảng Bharatiya Janata Party (BJP) của Thủ tướng Narendra Modi tiếp tục giành chiến thắng, giúp ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba. Tuy nhiên, BJP chỉ giành được 240 ghế, cùng với liên minh Dân chủ Quốc gia (NDA) đạt 289 ghế trên tổng số 543 ghế, không đạt được mục tiêu siêu đa số 400 ghế. Kết quả này phản ánh sự thay đổi trong ưu tiên của cử tri, chuyển từ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa Hindu sang các vấn đề kinh tế.



Tháng 9: Sri Lanka: Bầu cử tại Sri Lanka có thể sẽ diễn ra trong bối cảnh bất ổn chính trị kéo dài. Tổng thống Ranil Wickremesinghe đã tuyên bố không trì hoãn bầu cử, nhưng tình hình vẫn căng thẳng với số lượng kỷ lục 39 ứng cử viên Tổng thống, gây ra nguy cơ bất ổn chính trị tiếp diễn.

Tác động địa chính trị: Việc tất cả các nước Nam Á (trừ Afghanistan) đồng loạt tổ chức tổng tuyển cử trong năm 2024 có những ảnh hưởng lớn đến tình hình địa chính trị khu vực và toàn cầu. Những cuộc bầu cử này là bài kiểm tra về khả năng duy trì và phát triển các thể chế dân chủ. Tuy nhiên, kết quả bầu cử cũng dẫn đến bất ổn chính trị nội bộ tại một số quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lan rộng và ảnh hưởng đến toàn khu vực.

Dự báo ảnh hưởng: Năm 2024 là một năm bản lề đánh dấu sự thay đổi, tái lập và điều chỉnh trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia Nam Á. Các cuộc bầu cử đã và sẽ định hình lại các liên minh chính trị và ảnh hưởng đến mối quan hệ của các nước Nam Á với các cường quốc như Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Nga. Chính phủ mới tại các quốc gia này có thể sẽ tái định hình chính sách đối ngoại, ảnh hưởng đến chiến lược của các cường quốc trong việc can dự vào khu vực.

 

2. Bất ổn chính trị nội bộ

Tình hình chính trị nội bộ ở Nam Á trong năm 2024 cho thấy sự căng thẳng và bất ổn gia tăng, phản ánh sự phức tạp và đa dạng của các vấn đề đang diễn ra ở khu vực này.

Afghanistan: Chính trị nội bộ Afghanistan tiếp tục bị chi phối bởi sự cai trị của Taliban, với những chính sách ngày càng nghiêm ngặt đối với quyền của phụ nữ. Vào tháng 1 và tháng 8 năm 2024, Taliban đã thực hiện các biện pháp thắt chặt kiểm soát trang phục và hạn chế quyền của phụ nữ, bao gồm yêu cầu phụ nữ phải che mặt và hạn chế tham gia công cộng. Những động thái này không chỉ gia tăng sự đàn áp mà còn tạo ra sự bất mãn trong xã hội, làm dấy lên các vấn đề về nhân quyền và sự ổn định chính trị.

Nepal: Tình hình chính trị Nepal trong năm 2024 chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong cấu trúc liên minh chính trị. Thủ tướng Pushpa Kumar Dahal, sau khi giải tán liên minh với Đảng Quốc đại (NC), đã hình thành một liên minh mới với Đảng Cộng sản Chủ nghĩa Mao Trung dung (CPN-MC) và Đảng Cộng sản Chủ nghĩa Mác - Lênin thống nhất (CPN-UML). Tuy nhiên, sự thay đổi này không kéo dài lâu, khi Thủ tướng Dahal mất phiếu tín nhiệm vào tháng 6 và liên minh mới do Đảng Quốc đại và CPN-UML dẫn đầu được thành lập. Tình trạng bất ổn chính trị kéo dài và sự chuyển giao quyền lực liên tục làm tăng sự không chắc chắn về tương lai chính trị và kinh tế của quốc gia này.



Bangladesh: Tình hình chính trị ở Bangladesh trong nửa đầu năm 2024 là đặc biệt căng thẳng với các cuộc biểu tình lớn chống lại các chính sách phân bổ chỉ tiêu viên chức và cải cách bầu cử. Cuộc biểu tình của sinh viên và thanh niên, đặc biệt sau phán quyết của Tòa Thượng thẩm về khôi phục chế độ phân bổ chỉ tiêu viên chức, đã dẫn đến bạo lực nghiêm trọng và xung đột giữa người biểu tình và lực lượng an ninh. Tình trạng bất ổn này đã khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng ngàn người bị bắt, đồng thời dẫn tới một cuộc đảo chính Thủ tướng Sheikh Hasina phải từ chức và lưu vong, người đứng đầu đất nước đã được lựa chọn nhưng nội các mới chưa được hoàn thiện, dẫn đến sự đứt gãy của hoạt động chính trị và tiến trình dân chủ ở quốc gia này. Hợp tác nội khối giữa các quốc gia trong khu vực hiện đang bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng chính trị ở Bangladesh. Đối tác thân thiết của Bangladesh ở Nam Á là Ấn Độ cũng đang phải tạm dừng khai thác các tuyến hàng không và đường sắt tới Bangladesh từ đầu tháng 8.

Với những căng thẳng diễn ra xung quanh các cuộc bầu cử, tình hình chính trị ở Pakistan, Nepal, SriLanka nhìn chung đều trong tình trạng chia rẽ, phân tán. Những căng thẳng và bất ổn chính trị này không chỉ ảnh hưởng đến nội bộ các quốc gia mà còn có tác động lớn đến ổn định khu vực và các quan hệ quốc tế. Các vấn đề như đàn áp nhân quyền, xung đột chính trị và cải cách không đồng bộ đang tạo ra những thách thức lớn cho sự phát triển bền vững và ổn định của khu vực Nam Á.

 

3. Bất ổn an ninh, xã hội

Bangladesh: dân số tăng nhanh gây áp lực lên các dịch vụ công cộng, đặc biệt là giáo dục và y tế, dù chính phủ đã nỗ lực cải thiện thông qua các chương trình đào tạo nghề và nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, tình trạng thiếu việc làm, bất bình đẳng thu nhập, và sự phân hóa giàu nghèo vẫn là những vấn đề nan giải, đặc biệt ở các vùng nông thôn.

Afghanistan: Taliban tiếp tục thắt chặt kiểm soát phụ nữ với các quy định nghiêm ngặt về trang phục và hạn chế quyền tham gia công cộng, góp phần vào gia tăng sự đàn áp kể từ khi lực lượng này trở lại nắm quyền. Quốc gia này cũng đang trải qua một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, với khoảng 23,7 triệu người cần hỗ trợ do khó khăn kinh tế, gia tăng nghèo đói, và sự sụp đổ của hệ thống y tế. Hơn 6 triệu người đã phải di dời nội bộ, và làn sóng trở về từ các nước láng giềng càng tạo thêm áp lực lên các nguồn lực vốn đã eo hẹp.

Ấn Độ: Ấn Độ tiếp tục đối mặt với những thách thức như bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử tôn giáo, và các vấn đề môi trường. Các cuộc biểu tình của nông dân ở Punjab và Haryana, cùng với các vụ bạo loạn và biểu tình tại Bihar, Uttar Pradesh, và Uttarakhand, phản ánh sự bất mãn với chính sách chính phủ và những căng thẳng xã hội ngày càng gia tăng.

Pakistan: giá cả tăng cao và tỷ lệ thất nghiệp đã trở thành tác nhân chính gây ra các cuộc biểu tình và tình trạng bất ổn xã hội, dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra đến hết năm 2024. Các đảng chính trị đối lập đã tận dụng sự bất mãn của người dân để phát động nhiều cuộc biểu tình nhằm gây áp lực lên chính phủ. Ví dụ, từ ngày 8- 14/5/2024, hàng nghìn người dân ở tiểu bang Azad Kashmir đã biểu tình phản đối giá bột mì và điện tăng cao. Các bang có tỷ lệ nghèo đói cao như Balochistan cũng chứng kiến nhiều cuộc biểu tình chống lại giá lương thực leo thangNhững bất ổn này cho thấy các quốc gia Nam Á đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc duy trì trật tự và công bằng xã hội, giữa bối cảnh phát triển kinh tế và dân số ngày càng phức tạp.

 

Phòng Nghiên cứu Nam Á (DSAS)

Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi (ISAWAAS)

 

 





 





 











undefined