Nghiên cứu

Cập nhật: 16:32 GMT - thứ tư, 6 tháng 7, 2011

Tiêu điểm Nam Á 6 tháng đầu năm 2024: Rủi ro kinh tế và an ninh

12:00 | 10/09/2024

1. Kinh tế đối mặt với nhiều rủi ro

Nam Á là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, với mức tăng trưởng GDP dự kiến cả năm 2024 là 6,0-6,1% nhờ vào sự tăng trưởng bền vững của Ấn Độ và sự phục hồi của Pakistan và Sri Lanka sau những thách thức về cán cân thanh toán.

Rủi ro:

Thách thức toàn cầu: Các rủi ro chính là giá năng lượng và lương thực tăng cao do xung đột ở Trung Đông và lãi suất tăng mạnh ở các nền kinh tế phát triển.

Áp lực tài chính: Nhu cầu tài chính bên ngoài và tài chính công cao, các thảm họa thiên nhiên gia tăng và sự chậm lại tăng trưởng của các đối tác thương mại cũng là mối lo ngại.

Bất ổn chính trị: Sự bất ổn xung quanh các cuộc bầu cử năm 2024 ở một số quốc gia cũng là rủi ro tiềm ẩn. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ tăng trưởng sau bầu cử có thể cải thiện triển vọng.

Thách thức đối với từng quốc gia:

Bangladesh: Tăng trưởng bị ảnh hưởng bởi hạn chế nhập khẩu, giá cả leo thang và áp lực tài chính ngày càng tăng.

Nepal: Tăng trưởng suy yếu do tác động của hạn chế nhập khẩu trước đây và chính sách tiền tệ thắt chặt.

Pakistan: Kinh tế suy giảm do lạm phát cao và đồng nội tệ mất giá mạnh, mặc dù đồng tiền đã có dấu hiệu ổn định vào cuối năm 2023

Sri Lanka: Kinh tế suy yếu, nhưng có tiến triển trong tái cấu trúc nợ quốc gia

Afghanistan: Tỷ lệ nghèo đói vẫn ở mức cao do động đất và giá lương thực giảm.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ấn Độ dẫn đầu với vai trò quan trọng trong tăng trưởng chung, chiếm hơn 3/4 sản lượng của khu vực. Tăng trưởng mạnh mẽ của Ấn Độ được thúc đẩy bởi nguồn đầu tư công lớn và sự bùng nổ của ngành dịch vụ. Các quốc gia Nam Á còn lại sau quý II.2024 cũng từng bước giải quyết được một số vấn đề tồn đọng trong phát triển kinh tế của quốc gia mình, cụ thể:

Sri Lanka: Đang dần phục hồi sau khủng hoảng nợ, với triển vọng khả quan.

Bangladesh và Pakistan: Đối mặt với lạm phát cao và thâm hụt thương mại lớn, nhưng có một số dấu hiệu phục hồi nhờ hỗ trợ từ IMF. Afghanistan: Gặp khó khăn nghiêm trọng với suy giảm kinh tế và tỷ lệ nghèo đói cao.

Bhutan và Maldives: Có dấu hiệu phục hồi chậm và tăng trưởng phụ thuộc vào du lịch. Maldives có triển vọng tốt hơn nhờ sự phục hồi của ngành du lịch.

Nepal: Đã dần nới lỏng hạn chế nhập khẩu trước đây và chính sách tiền tệ cũng đã được điều chỉnh có lợi hơn cho nền kinh tế

2. Những thách thức về an ninh

Nam Á hiện đang là nơi hoạt động của nhiều tổ chức khủng bố, với nguy cơ cao xảy ra các vụ tấn công. Chủ nghĩa khủng bố không chỉ làm suy yếu nghiêm trọng quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực mà còn đe dọa đến sự ổn định và phát triển chung của toàn Nam Á, ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền và an ninh của các nước liên quan. Ví dụ, chỉ riêng trong tuần cuối cùng của tháng 3/2024, đã ghi nhận tổng cộng 10 vụ tấn công khủng bố, tất cả đều diễn ra tại Pakistan, đặc biệt ở khu vực Khyber Pakhtunkhwa (Khu vực bộ lạc do Liên bang quản lý) và tỉnh Balochistan, khiến 5 người thiệt mạng và 11 người bị thương.

Ở Afghanistan, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) thực hiện hàng loạt vụ tấn công khủng bố, bao gồm vụ đánh bom tự sát tại ngân hàng ở Kandahar vào ngày 21 tháng 3 khiến 21 người chết, vụ đánh bom xe máy ở Faizabad, Badakhshan vào ngày 8 tháng 5 giết chết ba nhân viên an ninh Taliban, và vụ nổ bom IED ở Dasht-e-Barchi, Kabul vào ngày 11 tháng 8 làm bị thương mười một người và giết chết một người. Thêm vào đó, ngày 17 tháng 5, một cuộc tấn công bằng súng ở Bamiyan khiến sáu người chết, trong đó có ba công dân Tây Ban Nha. Xung đột và căng thẳng biên giới cũng gia tăng, đặc biệt là vụ xung đột giữa Taliban và quân đội Pakistan tại cửa khẩu Torkham vào ngày 18 tháng 3, khiến ba công dân Afghanistan thiệt mạng, phản ánh sự căng thẳng liên tục giữa hai quốc gia.

Tại Ấn Độ, năm 2024 chứng kiến nhiều thách thức về an ninh nội bộ, với các cuộc bạo loạn và tấn công của phiến quân Naxalite, trong đó nổi bật là cuộc tấn công ở Chhattisgarh khiến nhiều nhân viên an ninh thiệt mạng. Bên cạnh đó, các cuộc tấn công của các phần tử cực đoan tiếp tục diễn ra, gây áp lực lớn lên chính quyền.

Ngoài ra, Nam Á còn phải đối mặt với mối đe dọa từ tội phạm có tổ chức, bao gồm buôn bán ma túy, buôn lậu, và các hoạt động tội phạm bất hợp pháp khác, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sự ổn định và phát triển của khu vực. Xung đột bạo lực và hoạt động khủng bố kéo dài ở một số quốc gia Nam Á đã dẫn đến việc gia tăng số lượng người sở hữu và sử dụng vũ khí, gây ra nhiều thách thức liên quan đến vấn đề kiểm soát súng đạn.

3. Tranh chấp biên giới

Tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, chủ yếu tập trung tại khu vực Ladakh (Ấn Độ) và Aksai Chin. Các lãnh đạo quân sự của Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức hơn 20 vòng đàm phán, nhưng cùng lúc cả hai bên vẫn tiếp tục các nỗ lực triển khai lực lượng vũ trang.

Tranh chấp Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan tiếp tục là nguồn gốc của những căng thẳng chính trị và quân sự giữa hai quốc gia. Mặc dù không có cuộc chiến tranh lớn nào nổ ra trong năm 2024, các cuộc xung đột nhỏ lẻ, pháo kích qua biên giới và các hoạt động khủng bố xuyên biên giới vẫn diễn ra thường xuyên.

Tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Nepal tại khu vực Lipulekh và Kalapani: Tháng 1/2024, Nepal thể hiện mong muốn giải quyết vấn đề biên giới với Ấn Độ thông qua đồng thuận chính trị.

4. Chính sách đối ngoại

Chính sách đối ngoại của các nước Nam Á nửa đầu năm 2024 phản ánh những đặc điểm riêng biệt dựa trên vị trí địa lý và bối cảnh chính trị của từng quốc gia, nhưng nhìn chung khu vực Nam Á đang hướng đến việc thúc đẩy quan hệ với các cường quốc và cố gắng duy trì sự cân bằng trong quan hệ giữa các cường quốc này.

Pakistan chú trọng đến việc cân bằng quan hệ với các cường quốc như Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua hợp tác đa dạng và đối phó với các thách thức an ninh.

Ấn Độ tiếp tục duy trì chính sách cân bằng chiến lược, duy trì quan hệ đối tác truyền thống với Nga trong khi mở rộng hợp tác với Hoa Kỳ và các nước phương Tây, đồng thời tìm cách mở rộng ảnh hưởng toàn cầu và giải quyết các thách thức khu vực.

Sri Lanka theo đuổi chính sách trung lập và linh hoạt, tận dụng cơ hội từ cả phương Đông và phương Tây để đảm bảo phát triển bền vững và an ninh hàng hải.

Mặc dù đối mặt với bất ổn chính trị nội bộ, Bangladesh vẫn cố gắng duy trì quan hệ hợp tác với các đối tác khu vực và quốc tế để thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội.

Sự gia tăng quan hệ của các nước nhỏ trong khu vực với Trung Quốc

Các nhà lãnh đạo cấp cao đến Trung Quốc:

Tháng 3/2024: Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe Tháng 7/2024: Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina

Tháng 1/2024: Tổng thống Maldives Mohamed Muizzu Tháng 6/2024: Thủ tướng Pakistan Shahbaz Sharif.

Hợp tác quân sự:

Pakistan và Bangladesh là hai nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Trung Quốc hiện nay.

Ngày 5/3 Maldives thông báo nước này đã ký một thỏa thuận 'hỗ trợ về quân sự' với Trung Quốc, sau khi yêu cầu quân đội Ấn Độ rời khỏi đảo quốc này.

Hợp tác kinh tế:

Quan hệ giữa Nepal và Trung Quốc cũng tiến triển khi hai nước bắt đầu chiến dịch khoan thăm dò dầu khí kéo dài 6 tháng ở huyện Dailekh (khu Bheri, vùng Trung Tây Nepal) vào đầu tháng 5. bắt đầu chiến dịch khoan thăm dò dầu khí kéo dài 6 tháng ở huyện Dailekh (khu Bheri, vùng Trung Tây Nepal).

Ngày 24/7, các kỹ sư Trung Quốc và giới chức Afghanistan do Taliban điều hành động thổ dự án khai thác mỏ đồng có trữ lượng hàng đầu thế giới tại Afghanistan, sau 16 năm trì hoãn do tình hình xung đột tại nước này.

Như vậy, sự tham gia của Trung Quốc ở Nam Á đã thể hiện ở tất cả các lĩnh vực quan trọng, từ kinh tế, ngoại giao cho đến quân sự. Rõ ràng, đối với Trung Quốc, cả bốn nước Bangladesh, Bhutan, Nepal, và Sri Lanka đang dần đẩy mạnh hợp tác sâu rộng và xây dựng lòng tin lẫn nhau. Mục tiêu chính của họ là tạo ra thêm một lựa chọn thay thế, tránh việc phụ thuộc vào Ấn Độ.

Phản ứng của Ấn Độ: Ấn Độ đang nỗ lực để củng cố ảnh hưởng của mình tại Nam Á. Các lãnh đạo cấp cao của nươc này đã tiến hành một số chuyến thăm đến Bhutan, Srilanka. Ấn Độ cũng cạnh tranh ảnh hưởng với sáng kiến BRI của Trung Quốc thông qua các dự án kết nối hạ tầng. Bhutan và Ấn Độ đã bắt đầu xây dựng tuyến đường sắt xuyên biên giới, Bangladesh và Ấn Độ cũng đang xây dựng các dự án kết nối mạng lưới điện.

Maldives tiếp tục duy trì chiến lược cân bằng giữa Ấn Độ và Trung Quốc, hai cường quốc có ảnh hưởng lớn trong khu vực. Maldives tìm cách thu hút đầu tư và hỗ trợ từ cả hai nước này, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển hạ tầng và du lịch, nhưng cũng chú trọng duy trì chủ quyền và độc lập trong các quyết định đối ngoại. Maldives đồng thời tìm kiếm sự hợp tác với các quốc gia ngoài khu vực nhằm đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế và bảo vệ lợi ích quốc gia trước những thay đổi địa chính trị trong khu vực Ấn Độ Dương.

Nepal thực hiện chính sách ngoại giao dựa trên nguyên tắc không liên kết, cố gắng duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Ấn Độ và Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh giữa hai cường quốc này ngày càng gay gắt. Nepal tiếp tục theo đuổi sự ổn định nội bộ và phát triển kinh tế thông qua hợp tác quốc tế, đồng thời quản lý cẩn thận các mối quan hệ song phương với các nước láng giềng để không bị lôi kéo vào các cuộc đối đầu khu vực. Vai trò của Nepal trong các tổ chức khu vực và quốc tế cũng được nhấn mạnh nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia và thúc đẩy hòa bình, ổn định trong khu vực.

Bhutan duy trì chính sách ngoại giao cẩn trọng và có chủ quyền, tập trung vào việc bảo vệ bản sắc văn hóa và độc lập chính trị trong khi mở rộng hợp tác quốc tế, chủ yếu với Ấn Độ và các tổ chức quốc tế. Bhutan tiếp tục duy trì mối quan hệ đặc biệt với Ấn Độ, là đối tác chiến lược quan trọng về an ninh và kinh tế, nhưng cũng tìm kiếm các mối quan hệ mới với các nước khác để đa dạng hóa nguồn lực và hỗ trợ phát triển. Bhutan cũng tích cực tham gia vào các sáng kiến toàn cầu về môi trường và phát triển bền vững, phản ánh cam kết của mình đối với các vấn đề quốc tế quan trọng.

Chính quyền Taliban ở Afghanistan đang nỗ lực tìm kiếm sự công nhận quốc tế từ các quốc gia và tổ chức toàn cầu. Điều này bao gồm việc tiếp xúc với các nước láng giềng, các cường quốc khu vực như Trung Quốc, Nga, Iran, và Pakistan, cũng như các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc. Sự bất ổn và thiếu kiểm soát ở Afghanistan đã cản trở các sáng kiến thương mại và đầu tư khu vực. Afghanistan cũng trở thành điểm nóng trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc như Trung Quốc, Nga, và Mỹ, ảnh hưởng đến các mối quan hệ đối ngoại của các nước Nam Á.

5. Kết luận

Trong 2 quý đầu năm 2024, Nam Á đã chứng kiến những biến động lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực chính trị và an ninh. Các cuộc bầu cử ở nhiều quốc gia trong khu vực đã phản ánh sự đa dạng và phức tạp của tình hình chính trị. Cuộc khủng hoảng tại Bangladesh tiếp tục làm nổi bật những thách thức mà các quốc gia trong khu vực phải đối mặt, từ bất ổn chính trị đến căng thẳng xã hội. Bên cạnh đó, các nước nhỏ hơn trong khu vực như Bhutan, Sri Lanka, và Nepal đang phải đối mặt với những lo ngại về suy giảm tăng trưởng, kết hợp với những bất ổn an ninh khiến cho tình hình trở nên khó khăn hơn./.

 

Phòng Nghiên cứu Nam Á (DSAS)

Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi (ISAWAAS)

 

 

undefined